Những thời khắc đen tối nhất của thị trường chứng khoán kể từ những năm 1920 đến nay

Theo Bloomberg (Mỹ), tổng giá trị vốn hóa thị trường toàn cầu đã “bốc hơi” tới 10 nghìn tỷ USD do lo ngại liên quan đến chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vậy so với những lần thị trường chứng khoán chao đảo trong quá khứ, đợt lao dốc hiện tại nghiêm trọng đến mức nào?

"Cơn bão đỏ" hiện nay

Chú thích ảnh
Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Hãng thông tấn Reuters (Anh) ngày 8/4 kết luận, không nơi nào trên thế giới tránh khỏi hoạt động bán tháo. Theo Guardian (Anh), con số 10 nghìn tỷ USD tương đương với hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Liên minh châu Âu (EU).

Thị trường chứng khoán Phố Wall tiếp tục chứng kiến một phiên giao dịch sụt giảm mạnh vào ngày 8/4. Cả ba chỉ số chính đều kết thúc phiên trong sắc đỏ. Chỉ số S&P 500 giảm 1,6% xuống còn 4.982,77 điểm, lần đầu tiên trong gần 1 năm đóng cửa dưới ngưỡng 5.000 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 0,8%. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composit giảm tới 2,2%.

Phố Wall phải vật lộn với sự biến động của thị trường trong bối cảnh căng thẳng thuế quan gia tăng với Trung Quốc. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt ngày 8/4 xác nhận rằng Mỹ sẽ bắt đầu thu thuế 104% đối với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 9/4, sau khi Bắc Kinh bỏ qua hạn chót của Tổng thống Donald Trump về việc dỡ bỏ các biện pháp đáp trả.

Tờ Guardian đã tổng hợp dữ liệu để xác minh thị trường chứng khoán toàn cầu đang trải qua cú sốc ở cấp độ nào nếu so với những đợt khủng hoảng khét tiếng trước đó trong lịch sử.

Phố Wall sụp đổ năm 1929

Chú thích ảnh
Đám đông tập trung trước sàn giao dịch chứng khoán New York tháng 10/1929. Ảnh: Getty Images

Cơn địa chấn Phố Wall năm 1929 được coi là bước lùi lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu của thời đại công nghiệp hiện đại. Sự sụp đổ của Phố Wall năm 1929 xảy ra sau cơn sốt mua cổ phiếu đầu cơ, tạo ra bong bóng trên thị trường.

Sàn giao dịch chứng khoán New York những năm 1920 vô cùng sôi động với giá cổ phiếu tăng lên mức cao chưa từng thấy. Chỉ số Dow Jones tăng gấp 6 lần trong khoảng thời gian từ tháng 8/1921 đến tháng 9/1929.

Sự bùng nổ tài chính diễn ra trong thời đại lạc quan. Ô tô, điện thoại và các công nghệ mới khác phát triển mạnh. Những người đàn ông và phụ nữ bình thường đầu tư ngày càng nhiều tiền vào cổ phiếu và trái phiếu. Một ngành công nghiệp mới với các công ty môi giới, quỹ đầu tư và tài khoản ký quỹ cho phép mọi người mua cổ phiếu doanh nghiệp bằng tiền vay. Người mua trả một phần nhỏ giá, thường là 10%, và vay phần còn lại. Các cổ phiếu mà họ mua đóng vai trò là tài sản thế chấp cho khoản vay. Tiền vay đổ vào thị trường chứng khoán khiến giá cổ phiếu tăng vọt.

Sau giai đoạn tăng trưởng ngoạn mục, thị trường chứng khoán sụp đổ một cách dữ dội. Chỉ số Dow Jones giảm 11% vào "Thứ Năm đen tối", ngày 24/10/1929, sau đó là mức giảm 13% vào hôm 28/10/1929 và đợt lao dốc 11% vào ngày hôm sau. Vòng xoáy đi xuống này kéo dài đến tháng 6/1932 mới chạm đáy, khi đó các công ty trên sàn giao dịch chứng khoán New York đã mất 90% giá trị.

Sau khi thị trường chứng khoán đổ sập vào năm 1929, hàng loạt thảm họa khác xuất hiện, từ cuộc Đại suy thoái ập đến trong những năm 1930 cho đến Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Thứ Hai đen tối năm 1987

Cuộc khủng hoảng tài chính lớn toàn cầu đầu tiên của thời hiện đại xảy ra vào một ngày mùa Thu năm 1987, được gọi là “Thứ Hai Đen tối”. Bong bóng đầu cơ trong thời kỳ bùng nổ và suy thoái những năm 1980 đã dẫn đến sự kiện này.

Phản ứng dây chuyền của căng thẳng trên thị trường đã khiến các sàn giao dịch chứng khoán toàn cầu lao dốc chỉ trong vài giờ. Tại Mỹ, Chỉ số Dow Jones giảm 22,6% chỉ trong một phiên giao dịch. Ở thời điểm đó, nó cũng đánh dấu sự suy thoái mạnh nhất của thị trường tại Mỹ kể từ Đại suy thoái.

Thứ Hai đen tối 1987 là minh chứng rõ nét của khái niệm “toàn cầu hóa”, vốn vẫn còn khá mới mẻ vào thời điểm đó, với thị trường tài chính trên toàn thế giới đã trở nên đan xen và kết nối về công nghệ.

Thứ Hai đen tối năm 1987 dẫn đến một số cải cách đáng chú ý, bao gồm các sàn giao dịch phát triển các điều khoản tạm dừng giao dịch trong trường hợp thị trường bán tháo nhanh chóng. Ngoài ra, phản ứng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tạo tiền lệ cho việc ngân hàng trung ương sử dụng “thanh khoản” để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính.

Bong bóng dotcom năm 2000

Chú thích ảnh
Tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới tại New York, Mỹ, bị tấn công ngày 11/9/2001. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Cơn sốt dotcom bùng nổ trong giai đoạn năm 1995–2000 là thời điểm thị trường chứng khoán tăng mạnh, nhanh chóng và không bền vững, cụ thể là trong việc định giá cổ phiếu của các công ty Internet và công nghệ, thường được gọi là các công ty dotcom, với ít hoặc không có hồ sơ về lợi nhuận hoặc có mô hình kinh doanh không thực tế. Trong thời kỳ bong bóng dotcom, chỉ số Nasdaq Composite tăng gấp gần 7 lần. Chỉ riêng trong năm 1999 Nasdaq Composite đã tăng tới 86% và đạt đỉnh vào ngày 10/3/2000 ở mức 5.048 điểm. 

Bong bóng dotcom hình thành trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế dài nhất tại Mỹ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Lạm phát và thất nghiệp giảm.

Vào đầu thiên niên kỷ mới, tháng 3/2000, bong bóng dotcom phát nổ. Giá trị của cổ phiếu công nghệ lao dốc, các công ty khởi nghiệp internet trở nên vô giá trị trong nhiều tháng và phá sản.

Ngày 4/10/2002, Nasdaq Composite giảm xuống còn 1.139,90 điểm, giảm 77% so với mức đỉnh. Tình trạng đảo ngược đã lan sang cổ phiếu trong các lĩnh vực khác và các thị trường công nghệ quốc tế như Mothers Market của Tokyo, Kosdaq của Seoul, Neuer Markt của Frankfurt, Nouveau Marché của Paris. Bong bóng vỡ còn báo hiệu cho cuộc suy thoái kinh tế năm 2001. Phải 15 năm sau đó, Nasdaq Composite mới đạt mức cao kỷ lục mới, vào ngày 23/4/2015.

Thêm vào đó, cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 với tòa tháp Bắc và Nam của khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) tại thành phố New York đổ sập và khoảng 3.000 người thiệt mạng đã tác động đến thị trường chứng khoán. Chỉ số Nasdaq Composite giảm xuống mức thấp nhất là 3.287 điểm khi lực lượng liên minh tập hợp để chuẩn bị cho cuộc xâm lược Iraq năm 2003.

Các nhà đầu tư đã so sánh tình hình hiện tại với sự hưng phấn của thị trường vào cuối thế kỷ trước, khi chỉ ra đà tăng vọt của nhóm cổ phiếu công nghệ Mỹ được mệnh danh là “bảy cổ phiếu tuyệt vời” (Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet, Meta, Nvidia, Tesla) và sự lao dốc về định giá của nhóm này trong vài tuần gần đây.

Khủng hoảng tài chính 2008

Chú thích ảnh
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Sự mở rộng kéo dài một thập niên của thị trường nhà ở Mỹ đạt đỉnh vào năm 2006 và quy mô xây dựng nhà ở bắt đầu suy giảm. Theo Hội đồng Quan hệ đối ngoại, bùng nổ về giá nhà ở tại Mỹ đột ngột đảo chiều vào năm 2006.

Năm 2007 ghi nhận tình trạng sụt giảm lớn nhất trong một năm về doanh số bán nhà tại Mỹ trong hơn 2 thập niên tính đến thời điểm đó. Trước đó, cùng với đà tăng trưởng của thị trường nhà ở, người dân Mỹ đã vay mua nhà nhiều hơn. Tổng nợ thế chấp của các hộ gia đình Mỹ đã vọt từ mức 61% GDP năm 1998 lên 97% vào năm 2006. Những yếu tố này kéo theo sự sụp đổ của ngành thế chấp dưới chuẩn của Mỹ khi cung cấp khoản vay cho những cá nhân có tín dụng kém.

Năm 2007, những khoản lỗ trong tài sản gắn với thế chấp đã bắt đầu khiến thị trường tài chính toàn cầu rơi vào căng thẳng. Hơn 25 lăm công ty cho vay dưới chuẩn tuyên bố phá sản vào tháng 2 và tháng 3/2007. Diễn biến này làm rung chuyển Chỉ số Dow Jones. Vào ngày 27/2, chỉ số này mất 416 điểm, mức giảm điểm trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 11/9/2001.

Khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn lan rộng trên toàn cầu khi các quỹ phòng hộ và ngân hàng ở nhiều nước công bố đang nắm giữ khối lượng lớn chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp.

Theo hãng thông tấn AFP (Pháp), khi người đi vay không có khả năng trả tiền thế chấp, hàng triệu người mất nhà, thị trường chứng khoán trượt dốc và hệ thống ngân hàng sụp đổ, đỉnh điểm là sự phá sản thảm khốc của ngân hàng Lehman Brothers.

Ngày 15/9/2008 với Lehman Brothers, ngân hàng đầu tư toàn cầu lớn và là trụ cột trên Phố Wall trong hơn 150 năm, nộp đơn xin phá sản. Khi đó, nhiều nhà đầu tư cho rằng chính phủ Mỹ sẽ hành động để ngăn chặn một ngân hàng có quy mô như Lehman Brothers phá sản. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính Mỹ và Fed lại lo ngại rằng việc cứu trợ Lehman Brothers sẽ tạo ra "rủi ro đạo đức" trong ngành ngân hàng.

Các vụ rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng, hàng loạt công ty phá sản và tâm lý lo sợ về suy thoái kinh tế quốc tế khiến từ tháng 1 đến tháng 10 năm đó, các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đã giảm từ 30%-50%.

Dịch COVID-19 2020

Cổ phiếu toàn cầu gặp địa chấn vào tháng 3/2020 sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch, khiến phần lớn thế giới phải phong tỏa. Vào ngày 12/3/2020 - một ngày sau thông báo - sàn giao dịch chứng khoán tại Paris giảm 12%, Madrid giảm 14% và Milan giảm 17%. London mất 11% và New York “bốc hơi” 10%, mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1987.

Những ngày tiếp theo, các chỉ số của Mỹ giảm hơn 12%. Tuy nhiên, phản ứng nhanh chóng của chính phủ các quốc gia đã giúp hầu hết các thị trường phục hồi trong vòng vài tháng.

Hà Linh/Báo Tin tức
Cội nguồn khởi phát 'tình yêu' của Tổng thống Trump với thuế quan
Cội nguồn khởi phát 'tình yêu' của Tổng thống Trump với thuế quan

Tài sản của doanh nhân người Mỹ Donald Trump suy giảm vào những năm 1990, và ông cần huy động tiền mặt nhanh chóng. Do đó, ông đã lái siêu du thuyền dài 85m có tên Trump Princess, đến châu Á, với hy vọng có thể lôi cuốn các tỷ phú Nhật Bản. Đây không phải là lần đầu vị doanh nhân này tìm kiếm các nhà đầu tư người Nhật cho dự án của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN