Trong 4 tháng đầu năm nay, đã có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị là 2.468 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 564 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm phương án bán tiếp số cổ phần của SCIC còn lại tại Vinamilk. Ảnh minh họa: TTXVN |
Về thoái vốn, lũy kế 4 tháng đầu năm 2017, các đơn vị đã thoái được 3.101 tỷ đồng, thu về 14.299 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 các đơn vị mới báo cáo trong 4 tháng đầu năm 2017).
Cụ thể, các đơn vị đã thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm gồm: bất động sản, chứng khoán, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư thu về 36,3 tỷ đồng. Thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác được 1.712 tỷ đồng, thu về 2.073 tỷ đồng. Cùng thời điểm, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bán vốn tại 16 doanh nghiệp với giá trị là 1.353 tỷ đồng, thu về 12.190 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả số thoái trong năm 2016 của Vinamilk với giá trị sổ sách 783,7 tỷ đồng, thu về 11.286,4 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị doanh nghiệp. Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.
Việc bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về SCIC còn chậm, việc thoái vốn, giảm tỷ lệ vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp theo tiêu chí phân loại DNNN chậm được triển khai. Việc thoái vốn khỏi ngành nghề kinh doanh chính và bán hết vốn trong những ngành và lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian tới, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn, Tổng công ty nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Đồng thời, giao bộ liên quan khẩn trương xây dựng danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020. Đồng thời xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ công khai danh sách các doanh nghiệp phải thực hiện bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn về SCIC.
Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng phương án thoái vốn tại Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành xong việc thoái vốn nhà nước tại 2 doanh nghiệp này và chuyển tiền về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 15/12/2017.