Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, từ tháng 7 trở đi thị trường xuất khẩu gạo sẽ tốt lên nhờ một số thị trường chính như châu Phi, Trung Quốc, Inđônêxia... tăng nhu cầu nhập khẩu. Vì vậy, bà con nông dân không nên lo lắng quá khi vào vụ thu hoạch rộ và VFA sẽ áp dụng các giải pháp để ổn định thị trường.
Thu hoạch lúa hè thu sớm tại huyện Vị Thủy, Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương - TTXVN |
Ông Trương Thanh Phong cho biết thêm, Hiệp hội đã cân nhắc rất kỹ khi đưa ra các mức giá bán xuất khẩu với mục tiêu là tiêu thụ được lúa và nâng giá thu mua lúa trong nước lên. Theo đó, VFA dự kiến sẽ điều chỉnh giá sàn gạo 35% trước đây từ 365 USD/tấn, xuống mức 360 USD/tấn và 25% là 365 USD/tấn.
Ngoài ra, ông Phong cũng dự báo, thị trường châu Phi còn tiềm năng và các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ bám sát thị trường này trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, cho biết: Vụ hè thu 2013, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ thu hoạch 1,680 triệu ha lúa. Theo VFA, giá thành sản xuất lúa vụ hè thu toàn vùng ĐBSCL do Bộ Tài chính công bố là 4.142 đồng/kg và mức giá chênh lệch giữa các tỉnh là khá cao. Tuy nhiên, theo ông Bảy, bức xúc nhất của các doanh nghiệp hiện nay là, giá thành lúa do Bộ Tài chính đưa ra là lúa khô, còn giá nông dân bán tại ruộng lại là lúa tươi. Ông Trương Thanh Phong cũng cho biết, do giá mua cao mà giá xuất khẩu lại không tăng thậm chí giảm nên hầu như các doanh nghiệp không mặn mà với việc mua tạm trữ. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ phải làm để bảo đảm thị trường lúa gạo trong nước ổn định nên các doanh nghiệp vẫn tham gia.
Theo Bộ NN&PTNT, đến nay, các tỉnh miền Nam đã thu hoạch xong trên 1,9 triệu ha lúa đông xuân, đạt 98%; năng suất bình quân đạt 66,2 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 13 triệu tấn. Riêng vùng ĐBSCL đã hoàn tất việc thu hoạch 1,6 triệu ha lúa đông xuân, năng suất đạt 68 tạ/ha, sản lượng đạt gần 11 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so với vụ trước. Hiện toàn vùng cũng đã xuống giống gần 1,4 triệu ha lúa vụ hè thu, trong đó riêng vùng ĐBSCL đạt 1,27 triệu ha, bằng 97%.
Tính đến ngày 31/5, cả nước đã xuất khẩu được khoảng 2,78 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 1,211 tỷ USD (FOB). Trong đó, lượng gạo xuất sang thị trường châu Á chiếm khoảng 66%, châu Phi khoảng 23%, còn lại là các thị trường khác. Tuy nhiên giá xuất khẩu gạo bình quân trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2013 có xu hướng giảm ở hầu hết các thị trường. Đến thời điểm hiện nay, mức giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam chỉ đạt khoảng 435 USD/tấn (giảm 9%, tương đương 22,8 USD/tấn) so với cùng kỳ năm 2012.
Tạm trữ 1 triệu tấn gạo
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ hè thu năm 2013 ở ĐBSCL từ 15/6/2013 - 31/7/2013. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức việc phân giao cho các thương nhân trực tiếp sở hữu kho chứa thóc, gạo đúng quy chuẩn theo quy định thực hiện mua số thóc, gạo tạm trữ trên; đồng thời phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở ĐBSCL trong việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ và chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức mua tạm trữ thóc, gạo. Loại thóc, gạo mua tạm trữ gồm thóc, gạo thường và thóc, gạo thơm. Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ; thời gian tạm trữ được hỗ trợ lãi suất tối đa là 3 tháng, từ ngày 15/6/2013 đến ngày 15/9/2013. Các thương nhân thực hiện mua thóc, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước chỉ định, hướng dẫn một số ngân hàng thương mại thực hiện việc cho vay mua tạm trữ thóc, gạo. |
Liên Phương - Huyền Tím