Thị trường chứng khoán 2012: Những nốt trầm buồn

Với những kỳ vọng và mong muốn vực dậy thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm 2012, nhiều chính sách của Ủy ban Chứng khoán (UBCK) được đưa ra như kéo dài thời gian giao dịch buổi chiều, Thông tư 52 hướng dẫn công bố thông tin, cho phép áp dụng T+3, nâng chuẩn niêm yết… Thế nhưng, do tình hình kinh tế khó khăn kéo dài đã khiến thị trường trong năm qua dường như giậm chân tại chỗ, thậm chí là lao dốc. Nhiều doanh nghiệp (DN) phải rời bỏ cuộc chơi, một số công ty chứng khoán phá sản và nhiều nhân vật đình đám vướng vào vòng lao lý.


Chính sách không nâng nổi thị trường


So sánh phiên đầu tiên của năm 2012 (ngày 3/1), chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội đạt 56,79 điểm, còn VN-Index của sàn TP Hồ Chí Minh đạt 350 điểm, thì phiên giao dịch gần cuối năm (ngày 13/12), chỉ số HNX-Index biến động giảm nhẹ 2,71 điểm, còn VN-Index tăng hơn 41 điểm. Tuy nhiên, theo đánh giá của những chuyên gia, những chỉ số này vẫn rất thấp và không thể hiện được gam màu sáng của TTCK.


Nhìn lại thị trường một năm qua có thể thấy, từ tháng 3 đến tháng 5, TTCK có sự phục hồi nhẹ. Trong đó, tháng 5 được xem là “đỉnh” của năm với HNX-Index đạt 83,79 điểm, còn VN-Index là 488,07 điểm. Để đạt được kết quả này, phải nhờ đến động thái của UBCK khi đưa các chính sách để vực dậy thị trường. Đầu tiên phải kể đến việc cho ra đời bộ chỉ số VN30, thông tin bên lề về bộ chỉ số này đã manh nha từ giữa năm 2011 kéo dài cho đến 6/2/2012 thì chính thức được áp dụng. Cũng từ thời điểm này, thị trường bắt đầu dần hồi phục, thanh khoản nhờ thế mà được cải thiện sau khoảng thời gian dài lao dốc từ tháng 9/2011 đến cuối tháng 1/2012.


Thị trường chứng khoán sẽ phải tái cấu trúc để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN


Tiếp đến là chính sách cho phép kéo dài thời gian giao dịch qua buổi chiều được áp dụng từ ngày 5/3/2012. Kết hợp nhiều yếu tố, TTCK quả thật có sự sôi động, thanh khoản gia tăng đáng kể. Ngay phiên thứ hai có giao dịch buổi chiều (6/3/2012), tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường lên đến 337.54 triệu đơn vị, được ghi nhận là mức giao dịch “khủng” nhất trong năm 2012.


Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài quá lâu, sau gần 3 tháng triển khai thí điểm, thị trường đã bắt đầu lắng xuống và tuột dốc, thậm chí là không có “sóng” khiến thanh khoản thị trường luôn ở mức thấp. Theo đó, có những mã cổ phiếu từng lên mức giá 300.000 đồng/cổ phiếu, đến nay giá tụt chỉ còn dưới 1/10, thậm chí có những mã cổ phiếu còn "rơi" xuống mức dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu). Đã có nhiều chuyên gia nhận định, đây là thời điểm khó khăn của thị trường vì nó đang dần mất đi tính hấp dẫn. Bởi chỉ khi TTCK có nhiều “sóng”, thì nhà đầu tư mới còn tiếp tục ở lại với thị trường.


Thế nhưng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bất động sản vẫn liên tục đóng băng, hàng tồn kho tăng cao, DN không thể vay mới để tái sản xuất kinh doanh, nợ xấu của ngân hàng ngày càng lộ diện đã khiến cho TTCK thêm nhiều gam màu tối. Bên cạnh đó, khi mà con số về những DN không minh bạch trong việc công bố báo cáo tài chính ngày càng nhiều thì lòng tin của giới đầu tư với thị trường không còn. Trước tình hình trên, Sở GDCK Hà Nội cho ra đời chỉ số HNX30. Bộ chỉ số này chính thức vận hành vào ngày 9/7/2012.


Tuy nhiên, thông tin về việc ra đời cùng danh tính các mã chứng khoán trong nhóm được công bố trước đó cũng đã không giúp diễn biến thị trường tích cực hơn. Và ngay trong phiên ngày 9/7/2012, VN-Index giảm sâu, mất mốc 410 điểm; tương tự HNX-Index cũng rớt hơn 2%, lùi về sát mức 68 điểm. Diễn biến ở các phiên tiếp theo không mấy khả quan, dòng tiền chảy vào thị trường khá khiêm tốn ngay cả trên HNX.


Để “cứu” thị trường, ngày 20/8/2012, UBCK chính thức ban hành chu kỳ thanh toán T+3. Lợi thế của của T+3 này là nhà đầu tư quay nhanh vòng vốn, hạn chế rủi ro vì có thể chủ động “thoát hàng” sớm hơn một ngày, điều này có thể giúp họ mạnh dạn hơn trong các giao dịch mua bán cổ phiếu, tạo ra thanh khoản cho thị trường và giao dịch sôi động hơn. Sau một thời gian vận hành, UBCK rút ngắn thời gian thanh toán từ 15 giờ 30 lên 9 giờ 00 sáng cùng ngày T+3, giúp cho nhà đầu tư có được chứng khoán trong tài khoản và có thể bán ngay vào ngày T+3 mà không cần chờ đến ngày T+4 như trước đây.


Trước khi T+3 chính thức được áp dụng, đã có những “cơn sóng” nhỏ với sự kỳ vọng TTCK sẽ sáng sủa hơn. Tuy nhiên, ngày 4/9/2012 khi chu kỳ thanh toán T+3 chính thức được áp dụng và khi vòng quay T+3 đầu tiên kết thúc, kết quả đạt được không như kỳ vọng. Thanh khoản thị trường không có bất kỳ sự đột biến tích cực nào, thậm chí thanh khoản bất ngờ sụt giảm xuống dưới 30 triệu đơn vị tính chung cho cả hai sàn.


Có thể thấy những chính sách cứu vãn TTCK trong gần 1 năm qua vẫn không đạt được sự kỳ vọng. Nhiều nhà đầu tư đã rời bỏ sàn, trong đó có cả những nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các thủ tục để nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản giao dịch tại TTCK Việt Nam không dễ dàng chút nào. Đây chính là sự tổn thất rất lớn cho TTCK khi giá trị giao dịch của thị trường giảm dần.


Trước tình thế trên, ngày 11/12 vừa qua, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 213/2012/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam, thay thế Quyết định số 121/2008/QĐ-BTC. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ dễ dàng tham gia TTCK Việt Nam hơn nhờ một loạt biện pháp cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể, thay vì phải nộp lý lịch tư pháp khi nộp hồ sơ xin cấp mã số giao dịch, nhà đầu tư cá nhân nước ngoài chỉ phải nộp bản sao hợp lệ hộ chiếu còn giá trị hoặc phiếu an sinh xã hội hoặc giấy tờ tùy thân khác.


Chưa biết thông tư này sẽ mang lại giá trị thanh khoản cho thị trường sắp tới ra sao, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng, sang năm 2013 TTCK sẽ có nhiều khởi sắc. Thế nhưng, dự báo của các chuyên gia chứng khoán TTCK vẫn khó có nhiều khả quan.


Năm 2013, hướng tới tái cấu trúc thị trường


Thực tế cho thấy, thời điểm cuối năm 2012, lãi suất của các ngân hàng đang có dấu hiệu giảm dần cùng với nhiều chính sách khuyến mãi kích cầu tín dụng hấp dẫn đã được các ngân hàng đưa ra, thế nhưng DN vẫn không mặn mà vay vốn. Trong khi đó, hàng tồn kho vẫn tăng cao, sức mua lại chậm. Việc sản xuất kinh doanh chỉ mang tính cầm chừng và dường như ít có DN có một kế hoạch cụ thể nào trong tương lai. Bên cạnh đó, sự siết chặt cho vay USD cũng đang khiến một số DN xuất khẩu lo ngại do làm hạn chế sự chủ động của DN trong sản xuất kinh doanh. Điều này đã tác động không nhỏ đến sự thanh khoản của thị trường cũng như tâm lí của nhà đầu tư.


TS. Dương Cẩm Đà - Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Kim eng, cho biết: Chứng khoán hiện giờ không còn “dễ ăn” như trước. Chính vì vậy, một số DN niêm yết buộc phải tự đào thải mình nếu không nâng cao chất lượng hàng hóa. Theo đó, năm 2013, ngoài những chế tài để siết chặt hoạt động TTCK, các công ty và DN cũng phải tự nâng cấp và hoàn thiện mình để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Bài toán nâng cao chất lượng hàng hóa trên sàn trong năm 2013 thực sự đang được các các sở GDCK quan tâm.


Theo Nghị định số 58/2012/CP-NĐ ban hành vào ngày 20/7/2012, để niêm yết trên sàn HOSE, DN phải đáp ứng các điều kiện quan trọng như vốn điều lệ phải trên 120 tỷ đồng; hai năm trước khi lên sàn hoạt động dưới hình thức CTCP có lãi và có tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ; chỉ số ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) năm gần nhất tối thiểu 5%. Điều kiện trên HNX cũng có những thay đổi là vốn điều lệ 30 tỷ đồng trở lên, một năm hoạt động dưới hình thức CTCP, tối thiểu 15% cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ. Còn lại những điều kiện về ROE, lỗ lãi, nợ quá hạn cũng tương tự chuẩn mới trên HOSE.


Tuy nhiên, thống kê cho thấy với các DN niêm yết trước khi chuẩn mới ra đời thì có đến 25% DN không đáp ứng được chuẩn vốn điều lệ và 50% DN dưới chuẩn ROE. Và cho đến hết tháng 9/2012, trong 25 doanh nghiệp lên sàn trong năm 2012 thì có đến 13 doanh nghiệp niêm yết “lên sàn vội” trước thời hạn của chuẩn niêm yết mới (cuối tháng 8 đến hết tháng 9) bởi hầu hết những doanh nghiệp này đều không đáp ứng trọn vẹn tiêu chuẩn mới, nếu không vướng chuẩn vốn điều lệ thì cũng vướng chuẩn ROE, thậm chí có doanh nghiệp không thỏa mãn được cả hai.


Nhưng chuẩn niêm yết mới ra đời được cho là thước đo giá trị giúp sàng lọc DN tốt, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Bởi với sự ồ ạt lên sàn trong giai đoạn nóng của TTCK trước kia nhưng chất lượng “hàng hóa” trên sàn vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng năm trước lên sàn, năm sau báo lỗ không phải không có và TAS là một ví dụ điển hình. Ngoài ra, Nghị định 58 cũng siết chặt hơn quy định về hủy niêm yết cổ phiếu khi không hội tụ đủ các điều kiện như ngừng hoạt động, kết quả kinh doanh thua lỗ 3 năm liền, lỗ lũy kế vượt vốn, cổ phiếu không có giao dịch trong vòng một năm hay trường hợp tự nguyện hủy niêm yết. Điều này cũng góp phần nâng cao chất lượng cổ phiếu trên sàn niêm yết.


Mới đây, ngày 6/12/2012, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định phê duyệt đề án “Tái cấu trúc TTCK và DN bảo hiểm”. Trong đó, vấn đề tái cấu trúc công ty chứng khoán được chú trọng bởi cho đến cuối năm nay đã lộ ra khá nhiều vấn đề tiêu cực từ công ty chứng khoán làm ảnh hưởng đến “túi tiền” của nhà đầu tư. Ngoài ra, một số sản phẩm mới cũng sắp ra đời như quỹ mở, quỹ ETF. Và hiện Bộ Tài chính cũng đang xem xét tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK, hoàn thiện dự thảo về thuế trong lĩnh vực chứng khoán.


Song song đó, UBCKNN, Sở GDCK TP.HCM và Hà Nội, Trung tâm lưu ký Việt Nam cũng bàn thảo xây dựng và thiết lập TTCK phái sinh. TS. Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN, cho rằng TTCK phái sinh là những sản phẩm tất yếu trong tiến trình phát triển thị trường tài chính và nó cũng phản ánh độ sâu, độ rộng của thị trường. Bởi trải qua 10 năm hình thành và phát triển, các sản phẩm đơn giản trên TTCK Việt Nam tồn tại trong thời gian qua đã không còn hấp dẫn và bắt đầu có nhu cầu phát triển TTCK phái sinh. Đây cũng là định hướng chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.


Với những chuẩn mực tái cấu trúc TTCK trong năm 2013 được hướng tới, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch SSI nhận định, năm 2013 tuy khó bứt phá nhưng là cơ hội cho những nhà đầu tư dài hạn. Hiện tại, thị giá cổ phiếu hiện ở mức thấp tạo cơ hội để nhà đầu tư mua cổ phiếu cơ bản tốt, như vậy lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất là thị trường không phải đang thiếu tiền mà thiếu nhất là niềm tin.


Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN