Mới đây, ngành y tế đã “lên tiếng” về việc ngành giáo dục cần phải siết chặt công tác đào tạo nhân lực y tế, nhất là khối các trường ngoài công lập.
14 điểm cũng đỗ trường y
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2012, cả nước có tới 144 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, gồm 26 trường ĐH, 74 trường CĐ và 44 trường trung cấp và dạy nghề. Trong đó, có nhiều trường ngoài công lập cũng tham gia đào tạo chuyên ngành y tế.
Hướng dẫn sinh viên năm thứ nhất thực hành thí nghiệm tại Trường Đại học Y Thái Bình. Hà Thái - TTXVN |
Trong khi “nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt” thì theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), việc mở ngành đào tạo này chỉ cần sở GD - ĐT địa phương thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng. Do vậy, thời gian qua, các trường ĐH ngoài công lập cũng rất tích cực mở mã ngành y và để thu hút sinh viên, điểm “đầu vào” thường rất khá thấp. Ví như điểm tuyển sinh ngành Điều dưỡng của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh) năm nay chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD - ĐT, điểm trúng tuyển NV1 ngành kỹ thuật y học, điều dưỡng khối B của ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP Hồ Chí Minh) cũng chỉ vẻn vẹn 14 điểm, tương đương với điểm sàn…
GS. TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch, nguyên là Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, khẳng định: “Việc dạy và học không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo mà còn ảnh hưởng đến vấn đề y đức sau này”.
“Tôi đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ thẩm định thực hư về việc cơ sở đào tạo nhân lực y tế không đủ thiết bị thí nghiệm, thực hành nên phải đi thuê của cơ sở khác làm, làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Bộ GD - ĐT cũng đã đề nghị Bộ Y tế tổ chức kiểm tra đột xuất, định kỳ lại các trường vừa cấp phép. Nếu trường nào không đủ điều kiện thì xử lý, có thể đóng cửa hoặc đình chỉ tuyển sinh”.
Bộ trưởng GD - ĐT Phạm Vũ Luận |
Tại trường ĐH Y Hà Nội, thông thường sinh viên đạt 27,5 điểm mới đỗ nhưng như hiện nay, nhiều trường đào tạo bác sĩ cũng chỉ lấy là 14 điểm nên chất lượng “đầu vào” chắc chắn bị hạn chế. Chưa kể, sinh viên y khoa đâu chỉ học trên máy vi tính, trên giảng đường, mà ngay năm thứ nhất, họ đã cần đến các labol xét nghiệm, cần đến xác người để học giải phẫu… Đặc biệt, nếu không có đội ngũ các thầy thuốc chuyên khoa giỏi đào tạo, truyền thụ kinh nghiệm thì cũng khó có thể đảm bảo sẽ đào tạo được những bác sĩ giỏi trong tương lai.
“Nếu một trường đào tạo y khoa không hội tụ đủ các yếu tố về đội ngũ cán bộ, trang thiết bị, cơ sở vật chất thì không nên đào tạo. Nếu đào tạo ra một kỹ sư kém thì máy móc có thể bị phá hỏng, nhưng đào tạo một bác sĩ tồi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người”, GS Nguyễn Lân Việt khẳng định.
Không chỉ có GS.TS Nguyễn Lân Việt, mà tại cuộc họp ngày 8/9/2013 của Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y Dược Việt Nam, nhiều chuyên gia y tế, giáo dục cũng đã phản ánh sự lo ngại về việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh số lượng khá lớn, trong khi năng lực đào tạo, cơ sở thực hành hạn chế, dẫn đến điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp so với trường công lập, không phù hợp với quy hoạch của ngành Y tế và ảnh hưởng xấu đến chất lượng đào tạo.
Tăng phối hợp, giám sát liên ngành
Trước thực tế nêu trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đã đề nghị Bộ GD - ĐT khuyến cáo về tình trạng thừa nhân lực đối với các ngành dược, điều dưỡng, y sỹ, để các thí sinh có định hướng khi chọn ngành, đồng thời có giải pháp để hạn chế tuyển sinh đối với các ngành này.
Ngoài ra, để có cơ sở đánh giá và tìm giải pháp cho các bất cập trong công tác đào tạo nhân lực y tế, trong giai đoạn trước mắt, Bộ Y tế đề nghị Bộ GD - ĐT thành lập đoàn giám sát, kiểm tra liên bộ để tiến hành kiểm tra, giám sát các cơ sở có đào tạo nhân lực y tế, đặc biệt đối với trường ngoài công lập.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD - ĐT đã mời lãnh đạo Bộ Y tế và các cơ quan liên quan họp bàn về vấn đề hợp tác đào tạo giữa hai bên. Hai bên đã thống nhất trong việc khi mở ngành đào tạo sẽ mời cán bộ của Sở y tế tham gia. Còn đánh giá chuyên môn vẫn giao cho các trường, bởi chức năng của Bộ GD - ĐT chỉ quản lý về mặt nhà nước. Tuy nhiên, sau khi ngành được mở, hai bộ sẽ phối hợp kiểm tra, giám sát.
"Nhiều trường ĐH đề nghị được mở ngành Y dược vì những ngành này thu hút học sinh, nhưng Bộ không đồng ý. Bộ thẩm định rất kỹ hồ sơ, xem xét trường đó có đủ năng lực không, khu vực đó có cần thiết không và đối với các ngành đào tạo Y dược, Bộ cũng yêu cầu khi đăng ký chỉ tiêu phải thông qua Bộ Y tế chứ không được gửi thẳng lên Bộ GD - ĐT nữa”, Thứ trưởng Ga cho biết thêm.
Thời gian tới, Bộ GD - ĐT và Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc thẩm định các cơ sở đào tạo nhân lực y tế. Thậm chí, Bộ GD - ĐT sẽ ban hành một văn bản quy định riêng đối với ngành y vì đây là ngành đào tạo đặc biệt.
Thu Trang - P.Liên