Theo đó, các TCTD thẩm định chặt chẽ các dự án BOT, BT trước khi cho vay, lựa chọn các dự án có khả năng thu hồi vốn cao, các dự án thực hiện tốt quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư và xây dựng; các dự án có áp dụng thu phí theo hình thức trạm thu phí không dừng. TCTD không xem xét các dự án có thủ tục pháp lý không đầy đủ, không đủ điều kiện vay vốn theo quy định.
Hệ thống trạm thu phí không dừng đối với các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Quảng Bình. (Ảnh minh họa: Việt Hùng/Vietnam+) |
Trước đó, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất giải pháp giảm gánh nặng chi phí vận tải nội địa cho người dân và doanh nghiệp. Do vậy theo NHNN, các TCTD cần theo dõi chặt chẽ để nắm bắt việc thay đổi chính sách thu phí các dự án BOT của Chính phủ và các Bộ có liên quan, đánh giá lại hiệu quả các dự án BOT khi mức phí thay đổi để có biện pháp quản lý rủi ro và tăng cường giám sát chặt chẽ nguồn thu phí để thu nợ kịp thời, đầy đủ, đúng hạn.
Thời gian qua, dư luận đã lên tiếng về mức phí qua các trạm BOT hiện quá cao, vượt khỏi sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp. Để có chính sách hợp lý, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về quy trình nguyên tắc xác định trạm thu phí, mức phí và tham vấn người sử dụng để khắc phục các tồn tại này, bảo đảm tính công bằng, minh bạch thay vì xây dựng quy hoạch trạm thu phí vì chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn.
Đề cập tới vấn đề này, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Về chi phí đầu tư, những thông số đầu tư đơn vị (chi phí xây dựng mua sắm thiết bị, lãi suất, chi phí dự phòng…) thì các dự án BOT của Việt Nam vẫn rất cao so với thế giới, cho dù chúng ta loại bỏ yếu tố giải phóng mặt bằng, đắp nền đường... Điều này khiến, tăng mức phí cao, khiến người dân và doanh nghiệp chịu thiệt.