Tết tháng Sáu của người Hà Nhì ở Lào Cai (hay còn gọi là Tết Khu Già Già) thường diễn ra sau khi cấy xong vụ mùa. Tết được tổ chức trong 4 ngày (ngày Thìn, ngày Tỵ, ngày Ngọ, ngày Mùi), thờ các thần bảo vệ rừng và mùa màng.
Để chuẩn bị đón Tết, các chức sắc trong làng triệu tập cuộc họp các già làng và trưởng họ để bàn đóng góp mua trâu và dựng lều, lán cúng thần, đồng thời dựng các loại cây đu.
Theo tục lệ, trâu cúng thần phải là trâu đực, khỏe, lông đen tuyền và tìm mua ở bản khác. Khi mua trâu phải tìm hiểu con trâu đó thường ăn cỏ ở đồi nào thì người trong thôn đến khu đồi đó cắt cỏ gianh về lợp lều cúng thần. Lều cúng được dựng tại khu rừng cấm đầu bản. Đồ cúng thần chế biến từ thịt trâu được xếp từng mâm, từng hàng bày trong lều, sau đó thầy cúng chính và hai thầy cúng phụ thay mặt dân làng thực hiện nghi lễ cúng thần, cầu cho mùa màng tốt tươi, người yên, vật thịnh…
Làm xích đu đu chơi trong ngày hội. |
Lễ cúng tiến hành vào ban đêm (vì làm như thế, các thần gió, thần đất sẽ được nghỉ ngơi yên tĩnh). Thịt trâu sau khi cúng xong được chia đều cho các gia đình mang về nhà cúng tổ tiên. Riêng bộ lòng trâu được tổ chức ăn chung cả bản tại khu vực rừng cấm. Khi ăn chỉ có đàn ông được ngồi trong lều cúng, phụ nữ phải ngồi ăn bên ngoài. Kết thúc nghi lễ cúng, ngay tại vị trí lều cúng trở thành nơi cả làng tụ tập vui chơi.
Lễ cúng rừng được diễn ra đầu bản. |
Khi ăn chỉ có đàn ông được ngồi trong lều cúng, còn phụ nữ ngồi ăn bên ngoài. |
Ngày hôm sau không khí lễ hội tưng bừng hơn. Trai, gái trong bản rủ nhau vào rừng, mỗi người lấy sáu cành củi nhỏ về nộp cho lễ hội. Đến ngày thứ ba, tất cả dân bản tập trung lại để già làng - người cao tuổi nhất, cắt da trâu chia cho từng gia đình. Nếu số da trâu chia đủ cho mỗi gia đình hai chiếc thì năm đó làm ăn sẽ không thuận, còn số da trâu đã chia hết mà còn lẻ một, tức là năm đó dân bản được mùa.
Tại điểm trung tâm của lễ hội, già làng đánh đàn hoóttờơ, các cụ già hát múa còn thanh niên nam nữ hát đối nhau. Cùng với những điệu múa, trong ngày hội còn có một số trò chơi: trò đu dây, đu quay và hát giao duyên... đây là dịp để trai gái trong bản gặp gỡ và tìm hiểu nhau.
Ngày thứ tư, lễ hội còn có một phong tục lạ mắt và hết sức độc đáo, đó là tục trùm chăn. Trước khi đi hội “Khu già già”, bao giờ các chàng trai chưa vợ cũng đem theo một cái chăn chiên mới. Gần tới nơi, họ giấu chăn ở một hốc đá, bụi cây hoặc có khi ở trong áo. Nếu thấy tâm đầu ý hợp, chờ đến khi trời tối, chàng trai tung chăn chùm vào người cô gái và đưa về báo cáo với bố mẹ để cử người sang nhà gái xin cưới...
Bài & ảnh:Lê Sơn- Đức Kỳ