Liên quan đến vụ tàu chở hàng của CHDCND Triều Tiên bị bắt giữ tại Panama, ngày 17/7, đại diện một số nước thành viên Liên hợp quốc (LHQ) cho rằng Triều Tiên đã vi phạm lệnh cấm buôn bán vũ khí. Tuy nhiên, Triều Tiên bác bỏ cáo buộc này.
Tàu Chong Chon Gang của Triều Tiên tại cảng Manzanillo, cách thành phố Panama 90 km ngày 16/7. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Đại sứ Anh tại LHQ Mark Lyall Grant nhận định việc vận chuyển vũ khí từ Cuba tới Triều Tiên là hành động vi phạm các biện pháp trừng phạt của LHQ. Ông cho rằng "vẫn cần phải xác minh sự thật” và “còn nhiều câu hỏi cần có lời giải đáp". Trước đó, quyền Đại sứ Mỹ tại LHQ Rosemary A. DiCarlo cũng cáo buộc việc chuyên chở vũ khí hay vật liệu liên quan ra vào Triều Tiên là vi phạm lệnh cấm.
Tối 17/7, trong một phản ứng chính thức đầu tiên, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã tuyên bố rằng việc Panama chặn giữ tàu Chong Chon Gang do tình nghi chở ma túy chỉ là sự “bịa đặt”. Bộ này cũng khẳng định việc sửa chữa, nâng cấp số vũ khí cho Cuba nằm trong một thỏa thuận hợp pháp giữa hai nước.
Trước đó, lực lượng phòng chống ma túy trên biển của Panama đã bắt giữ tàu hàng Chong Chon Gang mang cờ Triều Tiên khi con tàu này chuẩn bị tiến vào kênh đào Panama. Sau khi khám xét, họ phát hiện 240 tấn vũ khí được giấu dưới các bao tải đường, chủ yếu là các bộ phận rời trong các hệ thống tên lửa đất đối không và máy bay tiêm kích Mig-21. Chính phủ Cuba đã tuyên bố đây là số vũ được đưa tới Triều Tiên để nâng cấp, sửa chữa nhằm đáp ứng nhu cầu phòng thủ quốc gia.
Một công tố viên Panama cho biết các thủy thủ Triều Tiên trên tàu Chong Chon Gang có khả năng đối mặt với mức án 6 năm tù giam do vận chuyển vũ khí trái phép. Đoàn thủy thủ 35 người của tàu đang bị giữ tại căn cứ quân sự Fort Sherman và "trong tình trạng sức khỏe tốt". |
Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng cho rằng "giới chức Panama đã quá vội vàng tấn công, bắt giữ thuyền trưởng và thủy thủ đoàn với lý do nghi ngờ tàu chuyên chở ma túy”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên viết: “Phía Panama đã tiến hành khám xét song không có kết quả". Do đó, "chính quyền Panama cần trả tự do cho các thuyền viên và con tàu ngay lập tức”.
Các chuyên gia cho rằng, vụ việc trên cho thấy cách thức mà Triều Tiên đối phó với lệnh cấm vận ngày một thắt chặt của LHQ nhằm vào nước này - đó là tiến hành trao đổi, buôn bán theo phương thức hàng đổi hàng. Việc này sẽ giúp giải quyết những thiếu thốn về kinh tế cũng như các thiết bị quân sự thay thế do bị cấm vận. Trong trường hợp này, Triều Tiên sẽ nhận được đường, xì gà, bộ phận rời máy bay chiến đấu từ phía Cuba.
Đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên bị cáo buộc liên quan đến hoạt động buôn bán, vận chuyển vũ khí. Tháng 12/2008, Thái Lan đã tạm giữ một tàu chở hàng xuất phát từ Triều Tiên, chở số thiết bị quân sự trị giá 16 triệu USD. Tháng 5/2012, các bộ phận tên lửa trên một chiếc tàu treo cờ Trung Quốc hành trình đến Xyri đã bị bắt giữ tại cảng Busan, Hàn Quốc - mà LHQ nghi ngờ đứng sau là một công ty Triều Tiên.
Trong một diễn biến khác, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ngày 18/7 thông báo, LHQ đã quyết định viện trợ khẩn cấp trị giá 6 triệu USD cho Triều Tiên vào cuối năm nay, nhằm giảm bớt tình trạng thiếu vốn tại các cơ quan LHQ đang hoạt động ở quốc gia châu Á này.
Hoài Thanh (tổng hợp)