Ngày 14/8, tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tập huấn về phòng chống dịch bệnh Ebola cho cán bộ y tế đến từ 33 tỉnh, thành khu vực phía Nam (từ Thừa Thiên - Huế đổ vào). Tại hội nghị các cán bộ y tế được trang bị thêm về cách phòng chống, cách ly, xử lý khi phát hiện ca bệnh, cách điều tra dịch tễ và đặc biệt nhằm giúp người dân hiểu đầy đủ thông tin về dịch bệnh tránh gây hoang mang.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục T tế dự phòng - Bộ Y tế đánh giá, hiện nay Việt Nam đang nằm trong tình huống một của kế hoạch phòng chống dịch bệnh do vi rút Ebola (chưa có ca bệnh xâm nhập), tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch bệnh thông qua các đối tượng là khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động nhập cảnh trở về từ khu vực châu Phi là hoàn toàn có thể.
Trước thực trạng trên, ông Trần Đắc Phu cho biết thêm, chủ trương của Bộ Y tế đó là phòng, chống dịch tại chỗ, không để nhân viên y tế, người tiếp xúc gần với nguồn bệnh bị nhiễm. Về công tác hậu cần trang bị đầy đủ các trang thiết bị y tế để đối phó với dịch khi xảy ra, tránh gây lãng phí nhưng phải đáp ứng đủ nhu cầu.
Để đảm bảo cho công tác phòng chống và điều trị khi có ca bệnh Ebola xâm nhập vào Việt Nam, Bộ y tế đã tăng cường tập huấn cho các bệnh viện. |
Theo ông, để người dân không hoang mang, phải đẩy mạnh công tác truyền thông về diễn biến dịch bệnh; đồng thời khuyến cáo người dân phải giữ gìn vệ sinh môi trường sống và làm việc, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng…
Hiện nay, phương án đặt ra khi có trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu sẽ được chuyển về cơ sở điều trị cách ly tốt nhất để điều trị và kiểm soát ngay, hạn chế lây lan và giảm tử vong; Tại phía Bắc có Bệnh viện Nhiệt đới TW, miền Trung có Bệnh viện TW Huế, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hoà; Miền Nam có Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện đa khoa TW Cần Thơ. Các trường hợp nghi ngờ được phát hiện tại cửa khẩu nào thì chuyển về khu điều trị cách ly tại Bệnh viện đa khoa của tỉnh đó. Trong trường hợp dịch lan rộng thì sẽ thành lập bệnh viện dã chiến và huy động các lực lượng ban ngành.
Còn về công tác xét nghiệm, ông Trần Đắc Phu, cho biết hiện Việt Nam chưa có phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 4. Do đó, Bộ Y tế đang liên hệ và phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC) để có các hỗ trợ về kỹ thuật, sinh phẩm xét nghiệm.
Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh do vi rút Ebola có tốc độ lây lan nhanh và tỉ lệ tử vong cao (có thể lên tới 90%). Hiện Tổ chức Y tế thế giới đã công bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch bệnh này.
Đan Phương