Tết đến, Xuân về, cùng với niềm vui náo nức trảy hội, mỗi du khách lại cũng canh cánh, liệu mùa lễ hội năm nay có hết tình trạng “đến hẹn lại lên” của các vấn nạn đốt vàng mã tràn lan, ăn xin, ép giá, chèo kéo khách, ùn tắc giao thông… thậm chí là cờ bạc, móc túi? Trả lời câu hỏi này vào đúng tối 23 tháng Chạp (3/2/2013), trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định: Không thể một sớm một chiều mà xử lý hết các vấn nạn này được. Tuy nhiên, Bộ sẽ phối hợp cùng các địa phương để tạo ra những chuyển biến mới trong mùa lễ hội năm nay.
Những vấn nạn liệu sẽ được hạn chế?
Liên tục các hội thảo - cuộc họp, các văn bản - quy định về quản lý lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đưa ra trong những ngày cuối năm 2012 và đầu năm 2013. Hội nghị tổng kết cuối năm, cuộc họp triển khai hoạt động đầu năm của Bộ cũng đều đặt trọng tâm vào vấn đề này. Điều đó cho thấy, công tác quản lý lễ hội luôn rất “nóng” và luôn nhận được quan tâm của cả các cơ quan chức năng lẫn người dân.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại cuộc đối thoại. |
Bởi vậy, dù đang đi kiểm tra công tác tổ chức lễ hội trước Tết, nhưng khi được mời đến với “ghế nóng” của chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh vẫn dành thời gian để tới trường quay. Lý do như ông đưa ra: “Tôi muốn có cơ hội "nói lên điều gì đó" - mà ở đây có thể hiểu là "bày tỏ" để người dân cảm thông hơn với "cái khó" của ngành”. Tuy nhiên, trên thực tế, những điều Bộ trưởng "giải trình" xem ra vẫn chưa khiến người dân thật sự thỏa mãn.
Trả lời câu hỏi về việc tại sao cứ "đến hẹn lại lên", từ mùa lễ hội này tới mùa lễ hội sau, sự linh thiêng và nét đẹp của các đền chùa vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi hàng loạt những tệ nạn, những chuyện không đẹp mắt, theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, đó thực sự những là vấn nạn cần phải phê phán, xử lý. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số lễ hội đã được tổ chức tốt, đáp ứng yêu cầu, tình trạng "không đẹp mắt" chỉ diễn ra tại một số ít lễ hội dân gian.
Bộ trưởng khẳng định: Thực hiện các chỉ thị của Bộ Chính trị, trong mùa lễ hội năm 2011 - 2012, Bộ đã triển khai hàng loạt các giải pháp, và kết quả là mùa lễ hội 2011-2012 đã đánh dấu sự chuyển biến tích cực của nhiều địa phương như Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Lào Cai... "Đó là kết quả sự nỗ lực của Bộ VH,TT&DL, các Ban quản lý, Ban tổ chức, Ban chỉ đạo lễ hội, và cả trong nhận thức của người dân. Người dân đã dần nhận thức được rằng, lễ hội là hoạt động mang ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng, đến với lễ hội thì bản thân mỗi người cũng cần phải góp phần của mình để giúp cho công tác tổ chức lễ hội tốt lên".
Cũng theo Bộ trưởng, để tạo bước chuyển biến trong công tác tổ chức lễ hội năm nay, từ rất sớm, Bộ đã cử các đoàn thanh, kiểm tra đến các địa phương có tổ chức lễ hội, để kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội. "Chúng tôi tập trung kiểm tra việc kiện toàn Ban quản lý di tích, việc thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội, xem liệu đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên hay chưa? Bên cạnh đó, chúng tôi yêu cầu Ban quản lý, Ban tổ chức lễ hội phải tăng cường tuyên truyền ý nghĩa của di tích và lễ hội, tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, phổ biến giáo dục pháp luật trong bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, cũng như việc bố trí hàng quán, nơi để xe, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ", Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, dù các hiện tượng này đều đã được cảnh báo, nhưng không thể giải quyết được cùng lúc tất cả các "vấn nạn", mà cần phải có thời gian.
Sẽ tăng cường xử phạt nghiêm việc làm và đốt đồ mã
Trả lời câu hỏi của người dân về việc vẫn xảy ra tình trạng đốt vàng mã, đồ mã tại các nơi công cộng, Bộ trưởng khẳng định: Thời gian tới Bộ sẽ hoàn thiện các văn bản mang tính pháp lý trình Chính phủ về việc siết chặt quản lý và xử phạt các hoạt động liên quan đến đồ mã.
Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, cần phân biệt rõ giữa vàng mã và đồ mã. Vàng mã là tiền vàng âm phủ, và việc đốt vàng mã đã trở thành một tập quán lâu đời của người Việt Nam. Còn đồ mã là những đồ vật hình người, nhà lầu, xe hơi, vật dụng..., và việc đốt đồ mã là sự "biến dạng" của việc đốt vàng mã, do sự nhận thức sai lệch của một bộ phận người dân, và đốt đồ mã mới nằm trong danh mục cấm của Bộ. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, với bản thân việc đốt vàng mã thì cũng cần có tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức của người dân, để người dân hạn chế đốt vàng mã, nhằm tiết kiệm tiền bạc cho cá nhân, cho xã hội, cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ.
Bộ trưởng khẳng định, quy định về việc xử phạt với hành vi đốt đồ mã ở những nơi công cộng như lễ hội, di tích đã được quy định trong Nghị định 75/2010-NĐ-CP, với mức phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. "Tuy nhiên cũng đã có những địa phương đã xử phạt hành vi này với mức phạt lên với hàng chục triệu đồng. Bộ cũng đang hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa, thể dục thể thao và du lịch, thay thế Nghị định 75, theo hướng tăng nặng mức xử phạt này. Cụ thể, mức xử phạt sẽ từ 1 - 3 triệu đồng". Cũng theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ bổ sung việc xử phạt với hành vi sản xuất đồ mã, vận chuyển đồ mã, chứ không chỉ dừng ở hành vi đốt đồ mã ở nơi công cộng như hiện nay.
T.Anh