Tạo cơ hội cho đồng bào vươn lên trong cuộc sống

Xuân Quý Tỵ năm 2013, đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn làng trong vùng chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su ở địa bàn tỉnh Gia Lai đón nhận thêm niềm vui - niềm tin mới: Đó là, đồng bào sẽ được tiếp nhận vào làm công nhân trong các doanh nghiệp trồng cao su; cơ sở hạ tầng ở các buôn làng cũng được đẩy mạnh đầu tư góp phần thúc đẩy sản xuất và nâng cao cuộc sống của người dân trong vùng dự án.


Chăm sóc vườn cây cao su mới trồng.


Theo cam kết của các doanh nghiệp trồng cao su trong vùng rừng chuyển đổi, trong quý I/2013 sẽ tiếp nhận thêm khoảng 3.000 lao động vào làm công nhân, trong đó có 2.600 người là đồng bào dân tộc thiểu số; nâng tổng số lao động được tuyển dụng trong vòng 4 năm qua lên 5.700 người, đảm bảo định mức giao khoán cho mỗi lao động nhận quản lý và chăm sóc 5 ha cao su trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Số lao động này sẽ được đào tạo, bồi dưỡng tay nghề và nâng cao nhận thức trong quá trình sản xuất công nghiệp, với mức lương từ 3,6 - 4 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, lao động người dân tộc thiểu số tại chỗ không còn phải lo cảnh nghèo và thiếu ăn như khi còn làm nương rẫy. Đây cũng là động lực và môi trường thuận lợi để đồng bào vươn lên làm giàu trong tương lai không xa.


Trên thực tế, việc tiếp nhận lao động là đồng bào dân tộc tại chỗ vào làm công nhân là rất khó khăn, bởi bà con không muốn rời buôn làng để đi làm ăn xa, hơn nữa công việc làm lại mới mẻ và mang tính công nghiệp, không giống như kiểu làm nương rẫy truyền thống của người J'rai - Bahnar bao đời nay. Tuy nhiên, xác định trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với việc cùng chăm lo đời sống của bà con trong vùng dự án, các doanh nghiệp đã xây dựng các phương án sản xuất phù hợp để tiếp nhận lao động vào làm công nhân cao su được thuận lợi và hiệu quả nhất.

 

Như Công ty TNHH MTV cao su Chưprông đã chủ động tuyển dụng được 400 lao động ở 10 làng, thuộc 4 xã Ia Boòng, Ia Mơ, Ia Púch và Ia Me, đưa vào khai hoang, trồng mới và chăm sóc tại vùng rừng chuyển đổi được gần 3.000 ha cao su. Địa bàn cao su trồng mới này cách xa các buôn làng - nơi ở của người lao động từ 30 - 40 km, hàng tháng Công ty đã tổ chức đưa lao động đi làm từ 2 - 3 lần và bố trí ăn ở, sinh hoạt tập trung; mỗi tháng mỗi lao động được nghỉ phép từ 3 - 5 ngày để về giúp đỡ cha mẹ, thăm gia đình và buôn làng. Trong khi chưa có quỹ đất để hình thành và xây dựng các buôn làng gần vùng rừng cao su trồng mới, Công ty đã đầu tư làm nhà ở tạm cho công nhân và các điều kiện cần thiết khác đảm bảo phục vụ đời sống và sinh hoạt tại chỗ cho công nhân.


Trong những năm qua, có nhiều công trình và hạng mục công trình ở các buôn làng trong vùng rừng chuyển đổi đã được hình thành, góp phần ổn định và nâng cao cuộc sống của người dân rõ rệt. Với nguồn vốn đầu tư hơn 150 tỷ đồng, đã mở rộng và nâng cấp gần 100 km đường giao thông nông thôn với nhiều cầu cống kiên cố, xây dựng được hàng chục phòng học, nhà trẻ, hệ thống điện thắp sáng, nguồn nước sinh hoạt... Trong năm 2013 này, các doanh nghiệp trồng cao su cũng cam kết đầu tư khoảng 50 tỷ đồng để tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các buôn làng dân tộc trong vùng dự án. Ở buôn làng nào khó khăn về giao thông thì ưu tiên nguồn vốn để làm đường sá đi lại thuận lợi; khó về hệ thống trường lớp, y tế thì đầu tư xây dựng các phòng học kiên cố, nâng cấp trạm xá, tạo điều kiện cho con em đến trường và chăm sóc sức khoẻ cho bà con; khó về chỗ ở thì làm nhà tình nghĩa... Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có kế hoạch huy động nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, giúp cho dân làng chuyển đổi cây trồng - vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Bài và ảnh: Văn Thông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN