Theo Dự thảo Nghị định thay thế Quyết định số 38/2004/QĐ-TTg ngày 17/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) xây dựng, tới đây, gia đình nhận nuôi trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi sẽ được tăng trợ cấp hàng tháng, đồng thời, tăng hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho những trẻ này.
Éo le phận mồ côi
Chị Nguyễn Thị Hường (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) nhận bé Trần Thị Phúc Liên về nuôi năm 2006. Lần đó, chị Hường nằm viện, gặp bé Phúc Liên- mất mẹ khi mới lọt lòng mà người nhà mẹ bé lại bảo bệnh viện: “Ai xin thì cho”, chị cảm thương, đón bé về.
Có thêm sự hỗ trợ, cuộc sống của chị Hường và bé Phúc Liên sẽ đỡ khó khăn. Ảnh chụp trong Bệnh viện Nhi Trung ương (tháng 9/2011). |
Bố mất sớm, mình chị Hường nuôi mẹ bại liệt gần 40 năm. Nhưng, chị vẫn nhận nuôi Phúc Liên vì cảm thương và cũng hy vọng con lớn lên sẽ đem lại niềm vui. Ngờ đâu, khi con 1 tuổi, đưa đi khám ở bệnh viện, chị Hường mới biết não của Phúc Liên phát triển chậm. Sức khỏe bé ngày càng xấu. Bé khó ăn, khó nuốt, hầu như không ngủ được vì bị khó thở lúc ngủ. Gần 6 tuổi mà Phúc Liên chỉ nặng 9 kg, bập bẹ nói được vài từ, bị liệt chi dưới, mọi sinh hoạt của bé, mẹ Hường phải lo hết. Năm bé lên 3, mẹ chị Hường mất. Bệnh tật của con đã làm bao nhiêu tiền chị tiết kiệm được vơi dần. Tháng 9/2011, Phúc Liên đã được mổ, có hy vọng lành bệnh. Nhưng nghĩ về những tháng ngày phía trước, chị Hường lại thở dài.
Cuộc sống hai mẹ con hiện rất khó khăn. Ngoài mức trợ cấp 270.000 đồng/tháng, hai mẹ con chỉ trông vào 5 sào ruộng và nguồn thu nhập ít ỏi từ việc trông xe cho người đi chợ. Chị lo: “Không biết khi nào con mới đến trường được. Ốm yếu, bệnh tật lại không được học hành thì chẳng biết cuộc sống của con rồi sẽ ra sao?”.
Hoàn cảnh của bé Phúc Liên chỉ là một trong số hàng trăm ngàn trường hợp éo le mà trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi hiện nay gặp phải. Theo Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện có trên 1,4 triệu trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó 352.449 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (chủ yếu là trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi và trẻ nhiễm HIV thuộc hộ nghèo). Nhiều em rất đau lòng khi bị chính họ hàng người thân bỏ rơi vì quá nghèo, không đủ điều kiện kinh tế để nuôi nấng, chăm sóc. Hiện chỉ có 33.554 trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi được gia đình, cá nhân nhận nuôi.
Chia sẻ khó khăn
Với Nghị định mới do Bộ LĐ-TB&XH soạn thảo, việc trợ cấp cho các gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sẽ tăng lên. Hiện nay, theo Quyết định số 38/2004/QĐ-TTg ngày 17/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ, các gia đình nhận nuôi trẻ được hỗ trợ kinh phí với mức thấp nhất là 200.000 đồng/tháng/trẻ. Riêng gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi dưới 18 tháng thì được hỗ trợ kinh phí với mức thấp nhất là 270.000 đồng/tháng/trẻ. Còn theo Dự thảo Nghị định thay thế Quyết định số 38, mức trợ cấp này sẽ được tăng lên mức: Từ 360.000 đồng/tháng - 540.000 đồng/tháng.
Việc học, lập nghiệp của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt cũng được hỗ trợ thêm. Theo Dự thảo, các em sẽ được trợ cấp 700.000 đồng/trẻ/năm để mua sắm tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Với trẻ em cần bảo vệ đặc biệt từ đủ 13 tuổi trở lên đến dưới 16 tuổi đang sinh sống tại các gia đình nhận nuôi, không còn học văn hoá sẽ được trợ giúp học nghề, tìm việc làm theo quy định của pháp luật.
Nhà nước khuyến khích các gia đình, cá nhân tự nguyện giúp đỡ, nhận nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bảo đảm cho trẻ được sinh sống và phát triển trong một môi trường gia đình thay thế cho gia đình ruột thịt. Trong Dự thảo này, ngoài những người thân được nhận nuôi, các chức sắc tôn giáo cũng được nhận nuôi trẻ. Tuy nhiên, để đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho trẻ, mỗi gia đình được nhận nuôi không quá 7 trẻ.
Với những điểm mới trong Dự thảo này, cuộc sống của những người mẹ như chị Hường sẽ bớt khó khăn. Những trẻ kém may mắn như Phúc Liên có cơ hội học hành, lập nghiệp tốt hơn khi trưởng thành.
Bài và ảnh: Mạnh Minh