Tăng giám sát quy trình chuyên môn, giảm sai sót y khoa - Bài cuối

Trong y tế, việc giám sát, phát hiện sai sót trong thực hiện quy trình chuyên môn là một vấn đề không đơn giản, song hoàn toàn có thể làm tốt nếu người quản lý muốn làm. Khi các lãnh đạo chú trọng, ắt sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý đúng mức các sai sót.

CHÚ TRỌNG TÍNH CHUYÊN NGHIỆP

Giờ, các lãnh đạo đôi khi cũng ngại kiểm tra việc thực hiện quy trình chuyên môn vì e đụng chạm đến “quyền lợi”. Nhưng nhiều khi kiểm tra đúng và biết cách xử lý sai sót thì anh em sẽ tâm phục, khẩu phục; đồng thời, giảm được sai sót y khoa”,  GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chia sẻ khi trả lời phóng viên báo Tin Tức về các giải pháp hạn chế sai sót y khoa.

Theo Giáo sư (GS), những vụ việc sai sót y khoa, cụ thể là việc mổ nhầm chân -  tay vừa qua, trách nhiệm có đơn thuần chỉ thuộc về bác sĩ hay kíp mổ hay không? 

Những vụ việc mổ nhầm gần đây, có nhiều nguyên nhân, gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Trước hết, đó là sự thiếu ý thức của người bác sĩ trong việc chấp hành các quy định về chuyên môn. Về nguyên tắc, trước khi mổ, phẫu thuật viên phải thực hiện check list, tích vào các bước đã thực hiện trong bảng kiểm tra các quy trình, thậm chí muốn mổ thận bên phải thì phải vẽ ngay trên lưng bệnh nhân, với phẫu thuật chân hay tay cũng vậy. Có thể thấy, cán bộ y tế đã khá chủ quan, cứ nghĩ là mọi việc quen rồi, cộng với việc ỷ lại việc đã có kíp mổ nên bác sĩ đã thiếu kiểm tra dù bản thân là người chịu trách nhiệm chính, chỉ huy cả kíp mổ.

Sớm siết chặt giám sát thực hiện quy trình chuyên môn để hạn chế sự cố mổ nhầm tại BV Việt Đức. Anhr: Phương Liên

Bên cạnh đó, trách nhiệm cũng thuộc về cơ sở khám chữa bệnh, nơi xảy ra sai sót y tế. Rõ ràng, bệnh viện đề ra nhiều quy chế, quy định nhưng việc kiểm tra thực hiện không thường xuyên nên đã tạo cơ hội cho bác sĩ mắc sai lầm.

Ngoài ra, cũng có những nguyên nhân khách quan cần kể đến. Đó là, áp lực về số lượng lớn bệnh nhân, mà Bệnh viện Việt Đức là một ví dụ điển hình. Hơn nữa, nghề y là một nghề rất dễ gây ra sai sót, nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng đã chứng minh thực tế này. Do đó, người hành nghề y phải rất cẩn thận, phải tự răn mình trong từng sai sót để rút kinh nghiệm.

Muốn giảm sai sót y tế thì cần coi việc giám sát thực hiện quy trình chuyên môn là vấn đề sống còn của bệnh viện. Nhưng hiện nay, vấn đề này chưa được ngành y thực sự chú trọng, GS có đồng tình với nhận định này không, thưa giáo sư? 

Đúng vậy, hiện nay, ngành y tế đưa ra nhiều quy trình, quy chuẩn nhưng thiếu sự giám sát chuyên nghiệp trong việc thực hiện những quy định mà ngành y đã bỏ công xây dựng.

Trong y tế, việc giám sát, phát hiện sai sót trong thực hiện quy trình chuyên môn là một vấn đề không đơn giản, song hoàn toàn có thể làm tốt nếu người quản lý muốn làm. Khi các lãnh đạo chú trọng, ắt sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý đúng mức các sai sót. Chết nỗi hiện nay, việc kiểm tra còn nương nhẹ, thiếu tính đấu tranh, chưa nói là còn ngại động chạm “quyền lợi”. 

“Cũng phải nhìn nhận, vừa qua, Bộ Y tế đã chú ý triển khai một số hoạt động nhằm nâng cao y đức. Đó là điều cần thiết nhưng chưa đủ, với nghề y, nếu không chú trọng đến tính chuyên nghiệp thì khó lòng nâng cao y đức và giảm sai sót y khoa”.

Lưu ý, vấn đề tăng cường kiểm tra giám sát cần phải thực hiện từ cấp bộ chứ không phải trách nhiệm riêng của các cơ sở khám chữa bệnh. Việc kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện cuối năm của Bộ Y tế đang thực hiện theo kiểu thông báo trước không thể mang lại hiệu quả mong đợi. Còn nhớ, hồi là Thứ trưởng Bộ Y tế, trong một lần đi công tác vào BV đa khoa Tây Nguyên, thay bằng vào hội trường để được đón tiếp thì tôi đi thẳng tới khoa Lao, gần nhà xác ở cuối bệnh viện. Một bệnh nhân cho biết ho ra máu vào 2 ngày nhưng chưa được bác sĩ khám. Mời giám đốc bệnh viện xuống, kiểm tra đúng sự việc, tôi không nói không rằng và trở về Hà Nội luôn. Chỉ với hành động đó thôi nhưng sau này, BV đó đã được chấn chỉnh và khá hơn nhiều… Nói vậy để thấy, nếu chú tâm thì sẽ kiểm tra, xử lý sai phạm và chắc chắn sẽ rút kinh nghiệm được các sai sót. 

Vấn đề đặt ra là nếu giải quyết, rút kinh nghiệm các sai sót y khoa thì phải bàn đến chuyện ngành y có nên công bố sai sót không? Theo quan điểm cá nhân tôi thì cần công khai các sai sót, nhiều nghiên cứu quốc tế cho thấy càng công khai bao nhiêu thì ý thức của người thầy thuốc càng được tăng cường và sai sót đó càng có chiều hướng giảm. 

Vậy ngành Y tế cần làm gì để sớm giảm sai sót y khoa, thưa giáo sư ? 

Ngành Y tế không nên giấu giếm các thông tin về sai sót y khoa. Cần làm tốt việc phê phán sai sót và nêu gương tốt. Trong phê phán cái sai cũng cần có cái nhìn khách quan, tránh tình trạng “xử điểm”, bởi mục đích chính là cảnh báo, rút kinh nghiệm trong toàn ngành. Đặc biệt, cần giáo dục đạo đức và nâng cao tính chuyên nghiệp cho cán bộ y tế. Trong ngành y, thực hiện tính chuyên nghiệp tốt cũng chính là làm tốt việc nâng cao y đức. 

Bên cạnh đó, cũng cần chú ý hơn việc đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ. Hiện nay, việc đào tạo đại học khá đại trà, “đầu vào” là 100 sinh viên thì “đầu ra” cũng tương đương nên chất lượng khó đảm bảo. Công tác rèn luyện về đạo đức, chuyên môn khi đi thực tập và quá trình làm nghề cũng cần phải chú trọng hơn.Trước đây, chúng tôi được các thầy “rèn” cho từ cách xoa tay cho nóng trước khi khám để bệnh nhân khỏi lạnh và khỏi ngại khi bác sĩ khám bệnh. Thông qua môn học khám nghiệm tử thi (ngày nay không có) mà trong quá trình làm nghề, chúng tôi luôn nghĩ đến người bệnh, nghĩ đến ranh giới giữa sự sống và cái chết. Nếu các bạn trẻ xuống nhà xác xem các thầy mổ hoặc tự tay mổ tử thi sẽ hiểu rõ nguyên nhân vì sao bệnh nhân tử vong, có phải bác sĩ điều trị sai hay không... Từ đó, sẽ có một ấn tượng rất sâu sắc, sẽ nhận thức rõ sứ mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc; tự dưng, trong quá trình khám chữa bệnh sau đó sẽ ý thức hơn, quan tâm tới người bệnh, mọi động tác phẫu thuật cũng tỉ mỉ, cẩn trọng hơn…

Xin cảm ơn giáo sư !


Phương Liên (thực hiện)
Tăng giám sát quy trình chuyên môn, giảm sai sót y khoa
Tăng giám sát quy trình chuyên môn, giảm sai sót y khoa

Truyền thông đại chúng chưa hết xôn xao về trường hợp mổ nhầm chân ở bệnh viện Việt Đức, thì lại có thông tin về mổ nhầm tay ở Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN