Tăng giám sát quy trình chuyên môn, giảm sai sót y khoa

Truyền thông đại chúng chưa hết xôn xao về trường hợp mổ nhầm chân ở bệnh viện Việt Đức, thì lại có thông tin về mổ nhầm tay ở Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An.

Hai trường hợp đều nhầm “trái sang phải”, tuy không gây chết người, nhưng thực sự làm xã hội lo lắng vì trước đó đã xảy ra không ít sai sót nghiêm trọng.  Việc “mổ lại” hay “điều tra nguyên nhân” không chỉ vấn đề thời gian, kinh phí, mà có khi phải trả giá bằng cả đời, thậm chí tính mạng bệnh nhân.

Bởi vậy, báo Tin Tức xin đăng tải ý kiến, bàn luận của một số chuyên gia và người dân, nhằm “hiến kế”, cùng ngành Y xác định hướng đi mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát, hạn chế sai sót y khoa. 

Sai lầm trong y khoa là phổ biến trên thế giới. Điều khôn ngoan cần làm của ngành y là hãy tham khảo ngay hành động của những nước đi trước để học tập.“Hãy biết đứng trên vai những người khổng lồ”.

Nhầm lẫn trong y khoa rất phổ biến

Những trường hợp “mổ nhầm” mà truyền thông nêu ra trong mấy tuần qua là trường hợp hy hữu?

Xin thưa không!

Nghề Y là một nghề đặc biệt, ở chỗ, trong nhận thức xã hội, bác sĩ phải “chỉ có đúng”. Chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân nhất nhất tuân thủ. Sai lầm của bác sĩ dù hãn hữu vẫn khó cho người dân chấp nhận. Đấy vừa là niềm tự hào, nhưng vừa là một thách thức lớn cho người hành nghề Y.

Khoa học y học không thiếu điều bất ngờ, mà chỉ dân Y trải qua thực tế, mới chiêm nghiệm được. Nên chuyện nhầm lẫn trong tác nghiệp, được cho là hoàn toàn cá nhân của người liên quan, là chuyện riêng của giới Y, không ai có khả năng đi vào phân tích, đánh giá, ngoại trừ người trong nghề. Vì thế, trên thế giới, nhìn chung xã hội chỉ biết đến ngành y qua những thành công của họ. Chuyện phẫu thuật nhầm “trái, phải” vừa qua mà bệnh nhân nhận ra được quy cho hy hữu, đơn giản bởi nó đã tự thể hiện “sờ sờ ra đấy”.

Vụ nhân bản xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, đã thể hiện rõ lỗ hổng trong công tác giám sát, phát hiện sai sót tại cơ sở y tế. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Chỉ mãi tới những năm gần đây, trong cố gắng cạnh tranh nâng cao chất lượng điều trị và giảm thiểu tối đa chi phí đền bù, các nhà khoa học y học và y tế công cộng trên thế giới mới quay sang nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề sai lầm trong y khoa. Và kết quả cho câu trả lời ngược lại: Sai lầm trong y khoa là rất phổ biến.

Đơn cử, thông tin từ giới y học Đại học John Hopkin khẳng định: “Nhầm lẫn trong tác nghiệp y khoa là nguyên nhân gây chết đứng hàng thứ 3 ở Mỹ, chỉ đứng sau bệnh tim mạch, ung thư và đứng trên bệnh phổi mạn tính”. Nhóm nghiên cứu của bệnh viện trường Đại học John Hopkin theo dõi trong 8 năm, để rồi có được mô hình dự báo, ở Mỹ trong năm 2013, có tới trên 250.000 trường hợp tử vong do sai lầm trong tác nghiệp y khoa. Tựu trung, mỗi năm sai sót y khoa chiếm tỷ lệ 9,5% trong bảng tổng sắp số chết do mọi nguyên nhân ở Mỹ.

Tử vong do sai lầm y khoa ở Mỹ đã như thế, thì ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, không thể nói là hy hữu được. Kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra sai lầm trong tác nghiệp y khoa hiện đại không còn là “chuyện cá nhân trong nghề”, để rút kinh nghiệm riêng, mà nó đã trở thành vấn đề y tế công cộng, đòi hỏi phải tìm ra căn nguyên và có chương trình kiểm soát.

Nhầm lẫn trong ngoại khoa kêu gọi hành động hệ thống

Nghiên cứu của Đại học John Hopkin cảnh báo, việc điều tra sai lầm không nên chạy theo hướng phát hiện để mà “trừng phạt tội lỗi”, dù trên phương diện hành nghề hay pháp lý. Bởi đại đa số các sai lầm trong tác nghiệp y khoa không phải do sự yếu kém chuyên môn hoặc đạo đức của người bác sĩ. Đúng ra, đó là những “triệu chứng” biểu lộ những vấn đề hệ thống, bao gồm tình trạng phối hợp yếu kém, thiếu đồng bộ trong hệ thống chăm sóc y tế, vấn đề quy trình chuyên môn và mạng lưới giám sát chất lượng thường quy, vấn đề giám sát đánh giá độc lập trong thực hành nghề nghiệp, vấn đề minh bạch thông tin chuyên môn và giải trình trách nhiệm, quy trình thúc đẩy hợp tác bệnh nhân tham gia tiến trình chăm sóc… Tóm lại, thay vì chỉ khu trú xử lý trách nhiệm cá nhân, đại đa số sai lầm trong y khoa phải được giải quyết ở bài toán hệ thống. Không đứng trên quan điểm hệ thống, không giải quyết và ngăn ngừa được sai lầm trong tác nghiệp y khoa.

Như thế, hai trường hợp “nhầm lẫn phải, trái” vừa qua, lại là “dấu hiệu” để ngành Y Việt Nam, và rộng ra hơn, các cơ quan liên quan của Chính phủ, kịp thời chuyển đổi nhận thức và ra tay hành động.

Hành động đầu tiên, luôn bắt đầu từ khu vực chuyển đổi nhận thức. Chẳng hạn, sau khi kết quả giải phóng ra từ đại học John Hopkin, Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật của Mỹ thực hiện ngay sự chuyển đổi trong kế hoạch ưu tiên nghiên cứu phòng chống bệnh tật quốc gia. Thể hiện bằng đầu tư kinh phí cho các nghiên cứu sai sót y khoa lên hàng ưu tiên thứ ba, phù hợp với mức độ nghiêm trọng đang xảy ra xét về quy mô ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Với Việt Nam, sẽ là phù hợp nếu Bộ Y tế thiết lập chương trình nghiên cứu phòng chống sai lầm trong tác nghiệp y khoa. Câu chuyện kinh phí có thể khó khăn lúc này khi ngân sách nhà nước đang ở cảnh “thắt lưng buộc bụng”, thì ngành y vẫn có thể làm được theo hướng “xã hội hóa” bằng việc “mở lòng” cho phép các cơ quan nghiên cứu độc lập tham gia triển khai hướng nghiên cứu này.

“Mở lòng” chấp nhận nhìn vào căn nguyên sai lầm trong tác nghiệp của chính mình để rồi hành động ngăn ngừa mang tính hệ thống, nói thì ngắn gọn, nhưng thực ra, đó là sự chuyển đổi rất lớn của cả người lãnh đạo ngành, lãnh đạo các cơ sở y tế và chính mỗi người bác sĩ. Thực sự thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận, tiến trình chuyển đổi nhận thức từ kiểu làm “lâm sàng” giải quyết từng trường hợp “tác nghiệp nhầm lẫn” cụ thể, sang tư duy hệ thống lấy “khoa học dẫn đường cho hành động”.

Và người dân, cũng từ chuyển đổi nhận thức, rằng sai lầm trong tác nghiệp y học không hề là hy hữu, mỗi người tự giành lấy phần trách nhiệm bản thân trong giúp phòng tránh “rủi ro” cho chính mình. Chuyện bệnh nhân nhắc nhở bác sĩ, thậm chí tự xác định, đánh dấu chỗ cần phẫu thuật, đã được triển khai ở Mỹ, rất nên học tập. Thay vì để đợi sự việc xảy ra rồi đi giải quyết hậu quả, “dự phòng” phải thực sự trở thành ý thức thường trực trong chăm sóc sức khỏe ở mỗi người dân.

Bài cuối: Chú trọng tính chuyên nghiệp

BS.TS Trần Tuấn (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng)
Nếu cẩn trọng thì không thể “mổ nhầm”
Nếu cẩn trọng thì không thể “mổ nhầm”

Những sai sót đáng tiếc xảy ra như mổ nhầm chân ở Bệnh viện Việt Đức, mổ nhầm tay ở Bệnh viên đa khoa 115 Nghệ An..., cho thấy hậu quả của việc không tuân thủ quy trình hoặc là trình độ của cán bộ y tế có vấn đề, mà ngành y tế cần phải rà soát, xem xét lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN