Theo TS Văn Đăng Kỳ, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT): “Để chủ động phòng dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm, Bộ NN& PTNT đã tổ chức mua dự phòng 40 triệu liều vắcxin cúm gia cầm để tiêm phòng bao vây khẩn cấp cho đàn gia cầm khi có dịch xảy ra theo đúng chỉ đạo của Chính phủ”.
Hiện tại, 40 triệu liều vắcxin sắp về đến Việt Nam. Sau đó, Cục Thú y sẽ cấp số vắcxin này (không thu tiền) cho các địa phương. Như vậy, cộng với khoảng 60 - 70 triệu liều vắcxin còn lại tại các công ty thuốc thú y, thì các địa phương sẽ có đủ vắcxin tiêm cho đàn gia cầm nhằm ngăn chặn dịch lây lan, đặc biệt ở những ổ dịch cũ, nơi có mật độ thủy cầm cao. Vấn đề quan trọng là các địa phương cần khẩn trương triển khai việc tiêm vắcxin cho đàn gia cầm, tránh tình trạng tiêm phòng không đầy đủ, nơi làm, nơi không như đã từng xảy ra.
Trong 3 tháng đầu năm 2013, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn và Quảng Ninh đã bắt 18 vụ nhập lậu gia cầm giống với 151.360 con, 20 vụ nhập lậu gia cầm để giết thịt với 10.100 con. Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn bắt 14 vụ nhập lậu thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm khác với số lượng lên tới 4.897 kg và 45.360 quả trứng. Toàn bộ số hàng nhập lậu này đều đã bị tiêu hủy. |
“Để kiểm soát dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim yến, Cục Thú y, Bộ NN& PTNT, đã đề nghị tiêu hủy toàn bộ đàn chim yến bị bệnh tại Ninh Thuận và yêu cầu địa phương này triển khai các biện pháp chống dịch trên đàn chim yến như đối với dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm. Đồng thời, yêu cầu cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ các cơ sở nuôi yến tại Ninh Thuận. Những địa phương khác có cơ sở nuôi chim yến cũng cần tăng cường quản lý, cảnh báo nguy cơ dịch cúm cho người dân, đồng thời nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm nếu phát hiện chim mắc bệnh, chết”, TS Phạm Văn Đông, Cục Thú y, Bộ NN& PTNT cho biết.
Bên cạnh đó, ngành NN& PTNT sẽ tăng cường phối hợp liên ngành nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ gà nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Tiếp tục chỉ đạo các tỉnh chủ động lấy mẫu, gửi về cơ quan chức năng để xét nghiệm phát hiện virút cúm A/H5N1 và cả virút cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm. Công tác giám sát dịch bệnh cúm A/H5N1và H7N9 trên gia cầm sẽ được chú trọng tại 60 chợ, điểm tập kết gia cầm nhập lậu tại một số tỉnh, thành phố như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát chặt các ổ dịch gia cầm cũ, nơi có đàn thủy cầm lớn… nhằm kịp thời phát hiện và xử lý ổ dịch mới phát sinh. Đồng thời, giám sát lưu hành của các nhánh virút cúm trên gia cầm để xác định hiệu lực của các loại vắcxin cho phù hợp. Đặc biệt, cơ quan thú y các vùng và chi cục thú y các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục phối hợp chặt với các ngành y tế để lấy mẫu, giám sát chủ động bệnh cúm trên đàn gia cầm ở nơi có bệnh nhân nghi nhiễm hoặc mắc bệnh cúm A/H5N1”, TS Phạm Văn Đông khẳng định.
Phương Liên