Bón phân hữu cơ cho cây cà phê sau khi thu hoạch. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN |
Lượng cà phê này không những đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới, lợi nhuận tăng thêm mà còn giúp môi trường sống tại các vùng sản xuất cà phê ngày càng được cải thiện.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận Chứng nhận chất lượng tốt bên trong của sản phẩm nông nghiệp (Utz), Chứng nhận Tổ chức thực hiện Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê (4C) là chủ yếu, một số ít diện tích còn lại tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận của Tổ chức Rừng nhiệt đới (RFA), Chứng nhận của Tổ chức quốc tế về dán nhãn thương mại công bằng (FLO). Đây cũng là địa phương có số nông hộ, diện tích, sản lượng cà phê tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận nhiều nhất trong cả nước.
Huyện Cư M’gar là vùng trọng điểm sản xuất cà phê vối của tỉnh hiện có gần 10.000 nông hộ, với 15.000 ha cà phê tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận Utz và 4C, chiếm 45% diện tích cà phê trên địa bàn huyện. Đặc biệt, trong 10 đơn vị được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột thì có 100% đơn vị tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận Utz, 4C và RFA.
Tham gia chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhân, các nông hộ, doanh nghiệp được các đơn vị chức năng tập huấn kỷ về bộ tiêu chuẩn, nguyên tắc của chứng nhận, xác nhận để canh tác bền vững trên vườn cà phê. Sau khi được tập huấn về bộ tiêu chuẩn, nguyên tắc, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh đã tổ chức sản xuất một cách hợp lý, khoa học, tiết kiệm chi phí mua vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, tiết kiệm được lượng nước tưới trong mùa khô…nhưng năng suất, sản lượng, chất lượng cà phê vẫn tăng lên. Sản phẩm cà phê nhân có tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận cũng được các doanh nghiệp, trong ngoài nước thu mua với giá cao hơn từ 30 đến 60 USD/tấn so với cà phê không có chứng nhận, xác nhận.
Gia đình anh Y Long Niê, ở xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) trước đây sản xuất cà phê theo kinh nghiệm nên năm được năm mất mùa, năng suất năm cao nhất cũng chỉ được 2,8 tấn cà phê nhân/ha. Sau 3 năm tham gia sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn Utz, anh thực hành tốt các quy trình trình sản xuất cà phê sạch, bón phân cân đối, tận dụng thêm phân chuồng ủ hoai mục, hoặc phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây cà phê, giảm lượng nước tưới từ 600 lít xuống chỉ còn tưới 200 đến 300 lít nước/gốc/lần tưới vào mùa khô…nhưng năng suất vẫn đạt gần 3,4 tấn cà phê nhân/ha.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của ông Nguyễn Hoài Dương, việc sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận trên địa bàn vẫn còn thấp trong tổng diện tích cà phê toàn tỉnh ( 64.107 ha/203.357 ha). Tỉnh Đắk Lắk đang khuyến khích các doanh nghiệp, nông hộ ngày càng mở rộng diện tích sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận để không những tăng thêm thu nhập cho các nông hộ mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trên các vùng trồng cà phê.