Mô hình "Vận động đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều đất sản xuất nông nghiệp san sẻ cho hộ nghèo thiếu đất sản xuất" ở Trạm Tấu (Yên Bái), đến nay đã đem lại hiệu quả thiết thực. Hàng trăm hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, lâu nay phải sống trong tình trạng thiếu đất sản xuất trầm trọng dẫn tới đói nghèo, nay đã được nhận đất để sản xuất, đời sống được cải thiện.
Trạm Tấu là một trong 2 huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái thuộc diện nghèo và khó khăn nhất của cả nước. Toàn huyện có 11 xã và thị trấn, trong đó có 10 xã vùng cao với 5.193 hộ, 28.711 nhân khẩu, dân tộc Mông chiếm 77% dân số, dân tộc Thái chiếm gần 17%, còn lại là các dân tộc khác.
Do đặc thù của một huyện vùng cao địa hình chia cắt mạnh, nên đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 6.617 ha, trong đó diện tích lúa ruộng 1.696 ha, phần lớn là ruộng cấy một vụ, năng suất chỉ đạt 38 - 44 tạ/ha, sản lượng lương thực năm cao nhất chỉ đạt 17.800 tấn. Vì thế, tỷ lệ hộ nghèo còn tới 72%, nhiều hộ thiếu ăn từ 3 - 4 tháng. Nguyên nhân chính người dân đói nghèo đều do thiếu đất sản xuất, điều kiện canh tác khó khăn, thời tiết lại vô cùng khắc nghiệt...
Trước thực trạng đó, huyện Trạm Tấu đã vận dụng sáng tạo Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy Yên Bái về “Quy hoạch và tăng cường quản lý đất đai vùng cao” bằng việc vận động người dân những hộ có nhiều đất san sẻ đất cho hộ nghèo thiếu đất sản xuất từ trong dòng họ tới thôn bản.
Ông Giàng A Hành - Bí thư xã Trạm Tấu cho biết, toàn xã có 384 hộ, số hộ nghèo chiếm 302 hộ, phần lớn số hộ nghèo này đều thiếu đất sản xuất. Sau khi rà soát và vận động để các hộ tự san sẻ trong gia đình và họ hàng thì có 63 hộ có nhiều đất, 86 hộ thiếu đất cần được san sẻ. Tổng diện tích đất xã Trạm Tấu đã san sẻ được hơn 40 ha, trong đó có 0,6 ha ruộng.
Từ mô hình điểm ban đầu đến nay, toàn huyện Trạm Tấu đã điều chỉnh, sắp xếp đất sản xuất trên tất cả 11 xã và thị trấn. 279 hộ cho đất, 338 hộ nhận đất, với diện tích 155,76 ha.
Đức Tưởng