Theo Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), nhằm phát triển mạng lưới điểm giao dịch tại Campuchia, mục tiêu đến năm 2018, Sacombank Cambodia - SC (Ngân hàng con 100% vốn của Sacombank) sẽ đạt 17 điểm giao dịch tại thủ đô Phnom Penh, các tỉnh, thành trọng điểm và tại khu vực các cửa khẩu giữa hai nước.
Để đạt mục tiêu đề ra, từ năm 2014 Sacombank sẽ tăng cường các chương trình quảng bá, tiếp thị hình ảnh đã đạt hiệu quả cao tại Campuchia trong thời gian qua như: chương trình ghế đá, quảng cáo xe tuk tuk, chăm sóc trụ sở khang trang, nâng cao kỹ năng chăm sóc và phục vụ khách hàng…
Đồng thời, Sacombank sẽ tập trung khai thác lợi thế về mạng lưới rộng khắp ở Việt Nam và các sản phẩm đặc thù của ngân hàng nhằm gia tăng hiệu quả kinh doanh như chuyển tiền một giờ trong khu vực Đông Dương để phát triển và tăng thu dịch vụ chuyển tiền, thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại hối…
Sacombank dự kiến đẩy mạnh phát triển sản phẩm thanh toán biên mậu giữa Sacombank và SC nhằm hỗ trợ danh nghiệp, người dân hai nước thanh toán nhanh chóng, an toàn. Từ đó giúp Chính phủ hai nước kiểm soát được dòng tiền thanh toán, hạn chế giao dịch tiền mặt qua biên giới cũng như giảm tình trạng đôla hoá nền kinh tế...
Theo Sacombank, trong những năm qua, quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Campuchia ngày càng phát triển, kim ngạch thương mại tăng dần qua các năm. Doanh nghiệp Việt Nam đang mở rộng đầu tư sang Campuchia với 124 dự án, tổng nguồn vốn đăng ký lên đến 2,5 tỷ USD. Hiện Campuchia có 34 ngân hàng thương mại, 7 ngân hàng chuyên ngành và hơn 25 tổ chức tài chính khác. Trong đó, Việt Nam có 5 ngân hàng gồm: Sacombank (Cambodia), BIDC, Agribank Chi nhánh Campuchia (2010), MB Chi nhánh Campuchia (2011), SHB Chi nhánh Campuchia. Với số lượng các tổ chức tín dụng tại Campuchia tương đối nhiều so với quy mô nên kinh tế, dân cư nên có sự cạnh tranh khá cao trong các hoạt động kinh doanh về tài chính - ngân hàng./.
Liên Phương