Làm thế nào để rau củ quả Việt Nam tìm lại được con đường xuất khẩu sang châu Âu là nội dung chính của cuộc hội thảo "Vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động xuất khẩu rau củ quả Việt Nam sang thị trường châu Âu”, do Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU - MUTRAP) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Hội thảo đã tập trung thảo luận về thực trạng của việc xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam trong những năm gần đây; tính cấp thiết của việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam; những khó khăn thách thức trong lĩnh vực xuất khẩu rau quả ở Việt Nam hiện nay; các biện pháp để giải quyết những khó khăn thách thức của lĩnh vực xuất khẩu rau quả vào thị trường EU; những thay đổi mới về luật vệ sinh an toàn thực phẩm EU, cơ hội giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của Việt Nam rút ngắn thời gian làm thủ tục nhập khẩu, đăng ký giấy phép đồng thời tránh những rủi ro trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu vào thị trường EU...
Theo các đại biểu, để thúc đẩy xuất khẩu rau quả, Việt Nam cần thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và phải có nhiều giải pháp chủ động để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Đồng thời phải tích cực đáp ứng những yêu cầu mà nước nhập khẩu đưa ra.
Từ năm 2005 đến 2011, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả Việt Nam đều tăng trưởng khá, trung bình khoảng 300 triệu USD/năm. Việt Nam lọt vào nhóm 5 quốc gia xuất khẩu rau quả lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện nay tình hình xuất khẩu rau quả Việt Nam sang EU đang có dấu hiệu giảm sút. Trong năm 2012, xuất khẩu rau quả tăng trưởng chậm lại do vướng mắc các quy định về chất lượng của các nước nhập khẩu, đạt xấp xỉ 829 triệu USD, chỉ tăng 33,4% so với năm 2011. Đặc biệt đối với thị trường EU, việc xuất khẩu rau quả Việt Nam hiện nhiều khó khăn mới do có nhiều lô hàng vi phạm các yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm...