Rà soát cơ chế điều hành xăng dầu - Điều chỉnh giá xăng dầu phù hợp

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu (XD) hiện đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến để trình Chính phủ trước ngày 30/6. Theo nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo, để tránh việc giá XD tăng nhanh giảm chậm so với giá thế giới như thời gian qua cần điều hành thị trường và phương án điều chỉnh giá XD phù hợp hơn.

 

Không nên tăng giá xăng dầu quá cao. Ảnh: Lê Phú

 

Ngày 17/5, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 84 về kinh doanh XD. Về quan điểm điều hành giá, theo nhiều ý kiến, để việc điều chỉnh tăng giá XD được người dân dễ chấp nhận hơn và ít gây tác động tiêu cực đến thị trường chỉ nên điều chỉnh mỗi lần ở mức vài trăm đồng/lít.

 

Trong ba phương án về giá do Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP đưa ra, theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), khi đưa ra lấy ý kiến, nhiều quan điểm ủng hộ phương án 1 dựa trên Nghị định 84 hiện hành và có cải tiến. Phương án 2 và phương án 3 sẽ khiến giá XD trong nước không diễn biến kịp thời giá thế giới và khó điều hành khi giá thế giới tăng, giảm đột biến.
Trong khi đó, theo phương án 1, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu từ 10 ngày lên 15 ngày đối với trường hợp tăng giá; thời gian tối đa đối với trường hợp giảm giá cũng theo đó tăng lên 15 ngày. Khi điều chỉnh giá bán lẻ XD, thương nhân đầu mối đồng thời phải gửi quyết định giá và phương án giá của mình đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phương án này cũng tương tự như phương án điều hành giá theo Điều 27 của Nghị định 84 là giao cho doanh nghiệp tự định giá trong một mức độ nhất định. Theo đó, khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi 6% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng. Trường hợp giá cơ sở giảm trên 6% so với giá bán lẻ hiện hành, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn... thương nhân đầu mối tiếp tục giảm giá bán lẻ, không hạn chế khoảng thời gian và số lần giảm giá. Ngược lại, trong trường hợp yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng 5%, thương nhân được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng (trước đây phạm vi là 7%).


Về mức độ điều chỉnh giá, khi các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng trên 5% đến 10% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá 5%, cộng thêm 60% phần tăng thêm. 40% còn lại được sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp. Trường hợp giá cơ sở tăng trên 10%, hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá.


Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex: “Bình quân 3 năm chúng ta điều chỉnh, sửa đổi quyết định, nghị định một lần để hoàn thiện các cơ sở pháp lý về kinh doanh XD. Nhưng theo tôi, chúng ta cần đánh giá hết sức nghiêm túc. Nếu sửa đổi mà không thực hiện đầy đủ thì có thể lại tiếp tục phải sửa đổi”.

Cơ bản đồng tình với phương án 1 nhưng đại diện VINPA cho rằng nên quy định mức biến động giá cơ sở trong khoảng 3% so với giá bán lẻ hiện hành (thay vì mức 5% như phương án 1 của Bộ Công Thương) doanh nghiệp được quyền chủ động tăng giá ở mức thấp thì người tiêu dùng dễ chấp nhận hơn. Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng cho rằng quy định các doanh nghiệp được quyền tăng giá bán lẻ khi yếu tố cấu thành tăng 5% so với giá bán lẻ như trong dự thảo là chưa hợp lý. Theo ông Bảo, mức 5% tương đương với cả nghìn đồng so với giá bán lẻ các mặt hàng XD hiện nay. Đây là số tiền không nhỏ với mỗi đợt tăng giá và có thể gây sốc thị trường. "Mức tăng mỗi lần chỉ nên từ 400 - 600 đồng để thị trường được vận động hài hòa," đại diện Petrolimex nhấn mạnh.


Cùng với đó, VINPA cho rằng, không nên kéo dài thời gian giữa các lần điều tiết tối thiểu đối với tăng giá và tối đa với giảm giá lên 15 ngày mà nên giữ ở mức 10 ngày như đang áp dụng để giá theo sát diễn biến thị trường hơn. Đồng tình với quan điểm của VINPA, ông Nguyễn Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dầu khí Đồng Tháp cho rằng, giá thế giới dao động liên tục nên thời gian 15 ngày điều chỉnh giá là bất cập.


Một trong những lý do khiến việc điều hành thị trường XD thời gian vừa qua chưa nhận được sự đồng tình của dư luận là do việc điều chỉnh giá diễn biến không phù hợp với giá thế giới, có những lần mức độ tăng giá quá lớn. Trong lần tăng giá XD vào cuối tháng 3 vừa qua, trong khi giá XD thế giới bắt đầu giảm thì giá XD trong nước, do kìm giá quá lâu đến khi hết “công cụ” bình ổn giá lại tăng tới 1.400 đồng/lít. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, có thể tăng tần suất điều chỉnh giá nhưng giảm mức tăng giá thì thị trường dễ chấp nhận hơn.

 

Thu Hường

Để điều hành xăng dầu minh bạch hơn
Để điều hành xăng dầu minh bạch hơn

Hiện nay, giá XD không chỉ chịu tác động của giá nhập khẩu mà còn phụ thuộc quá lớn vào các “biến số” khác như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, việc trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN