Ngày 21/4, sau khi liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu tuyên bố kết thúc chiến dịch không kích nhằm vào phiến quân Houthi ở Yemen, Tổng thống nước này Abd-Rabbu Mansour Hadi đã lên tiếng hoan nghênh sự hỗ trợ của liên quân. Phát biểu trên truyền hình vài giờ sau thông báo trên, Tổng thống Hadi nêu rõ ông đại diện cho nhân dân Yemen "cảm ơn và đánh giá cao" các đồng minh Arab và Hồi giáo cũng như các đối tác của Yemen trong liên quân vì đã hỗ trợ "tính hợp pháp" của mình. Ông Hadi hiện đang sống lưu vong tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.
Trong khi đó, thủ lĩnh cấp cao của phiến quân Houthi Abdel Malek al-Ijri tỏ ra “ngạc nhiên” trước thông báo ngừng không kích Yemen của liên quân Arab. Tuy nhiên, al-Ijiri cho rằng động thái này trùng khớp với tiến trình hướng tới một thỏa thuận chính trị toàn diện nhằm chấm dứt xung đột mà Houthi tuyên bố đã gần đạt được.
Lực lượng vũ trang trung thành với Tổng thống Yemen Abderabbo Mansour Hadi tại chốt kiểm soát ở thành phố Aden. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cũng trong ngày 21/4, Chính phủ Mỹ đã hoan nghênh quyết định ngừng không kích Yemen của liên quân Arab và hối thúc các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt khủng hoảng ở quốc gia vùng Vịnh này. Theo người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Alistair Baskey, Mỹ tiếp tục ủng hộ khôi phục tiến trình chính trị ở Yemen cũng như các nỗ lực cứu trợ nhân đạo. Mặt khác, người phát ngôn Lầu Năm Góc Steven Warren cho biết tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt và các tàu hộ tống đã được triển khai tới vùng biển ngoài khơi Yemen để theo dõi một số tàu chở hàng của Iran bị tình nghi vận chuyển vũ khí cho lực lượng Houthi.
Về phía Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Marzieh Afkham cho rằng việc liên quân Arab chấm dứt chiến dịch không kích là một "bước tiến" hướng tới ổn định chính trị ở Yemen.
Tuy cuộc không kích đã kết thúc, song Văn phòng Liên hợp quốc (LHQ) Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) cho biết ba tuần xung đột vừa qua đã cản trở việc cung cấp lương thực, nhiên liệu, điện và nước trên toàn Yemen. Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric dẫn số liệu của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết lương thực và các nhu yếu phẩm khác gần như biến mất khỏi hầu hết các khu chợ và cửa hàng ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột. Ngoài ra, hơn 3.750 trường học trên toàn Yemen đã phải đóng cửa, ảnh hưởng tới khoảng 2 triệu trẻ em nước này, trong khi ít nhất 48 trường bị phá hủy trong xung đột và 49 trường bị các nhóm vũ trang chiếm đóng hoặc được sử dụng làm nơi tị nạn cho người dân mất nhà cửa.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo các cơ sở y tế ở Yemen đang ngày càng khan hiếm thuốc men và các nhu yếu phẩm khác, đồng thời thường xuyên chịu cảnh mất điện và thiếu nhiên liệu cho các máy phát điện. Tình trạng này đồng thời khiến chương trình tiêm chủng của WHO ở Yemen bị gián đoạn, khiến hàng triệu trẻ em có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như sởi và bại liệt.
TTXVN/Tin tức