Quốc hội Thái Lan ngày 18/6 đã thông qua những điều khoản sửa đổi dự thảo hiến pháp, mở đường cho một cuộc trưng cầu ý dân về bản hiến pháp mới vào năm tới.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Ảnh: THX/ TTXVN |
Sau khi lên nắm quyền trong cuộc đảo chính quân sự tháng 5/2014, cựu Tư lệnh lục quân Thái Lan và hiện giữ chức Thủ tướng, ông Prayut Chan-ocha đã thành lập một loạt ủy ban có nhiệm vụ cải cách đất nước sau nhiều năm bất ổn chính trị. Trong đó, Ủy ban soạn thảo hiến pháp mới đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ tháng 11/2014.
Chính quyền quân sự đề ra lộ trình tiến hành tổng tuyển cử trong vòng 15 tháng, có thể vào khoảng từ đầu năm đến giữa năm 2016. Tuy nhiên, ngày 19/5 vừa qua, Thủ tướngPrayut Chan-ocha cho biết nội các đã nhất trí tổ chức trưng cầu ý dân về hiến pháp mới cũng như lộ trình khôi phục dân chủ. Nếu tổ chức trưng cầu ý dân vào tháng 1/2016, sẽ cần từ 3-4 tháng sau đó để sửa đổi các luật, và sẽ tổ chức bầu cử không quá 90 ngày sau đó. Như vậy, tổng tuyển cử sẽ diễn ra sớm nhất vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9/2016.
Theo dự thảo hiến pháp mới, các cuộc bầu cử ở Thái Lan trong tương lai sẽ áp dụng hệ thống đại diện theo tỷ lệ, thủ tướng không cần phải do dân bầu trực tiếp và các nghị sĩ không được phép giữ chức bộ trưởng.
Thủ tướng Prayuth có 15 ngày để trình dự thảo hiến pháp lên Nhà vua Bhumibol Adulyadej phê chuẩn.