Quốc hội Mỹ siết, nhưng vẫn cho phép do thám

Tại buổi điều trần kín ngày 31/10, Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật tăng cường giám sát hoạt động do thám điện tử của các cơ quan trong cộng đồng tình báo Mỹ, chủ yếu là Cơ quan an ninh Quốc gia (NSA).

Giám đốc NSA Keith Alexander (giữa) trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện hôm 29/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Dự luật gồm các quy định mới đặt ra giới hạn đối với chương trình do thám, nghe lén của các cơ quan tình báo Mỹ; tăng cường quyền lực giám sát của Quốc hội đối với hoạt động này thông qua một “tòa án đặc biệt”; yêu cầu Thượng viện được quyền phê chuẩn Giám đốc NSA, Bộ trưởng Tư pháp - hai quan chức có quyền ra lệnh giám sát công dân nước ngoài sống ngoài nước Mỹ.


Tuy nhiên, dự luật vẫn cho phép các cơ quan như NSA, Cục Điều tra liên bang (FBI) tiến hành chương trình do thám... Phát biểu sau phiên điều trần, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, nữ Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Dianne Feinstein nói rằng, việc NSA chặn thu các cuộc đàm thoại là "hợp pháp, chịu sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và góp phần vào việc bảo vệ an ninh quốc gia”. Để được thông qua, dự luật trên còn phải trình Thượng viện và Hạ viện thảo luận và phê chuẩn.


Cùng ngày, một quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lệnh cho NSA chấm dứt việc nghe lén và xem trộm thư điện tử nhằm vào các quan chức thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Đây được xem là nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm hạ nhiệt làn sóng công kích gay gắt từ cả trong và ngoài nước. Trước đó, ông Obama đã ra lệnh chấm dứt các hoạt động do thám của NSA tại trụ sở LHQ ở New York sau khi vụ việc vỡ lở.


Hoài Thanh (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN