Quản lý trang thiết bị y tế xã hội hóa: Bài 2

Theo nhận định của nhiều chuyên gia y tế, chính việc liên doanh liên kết góp vốn của tư nhân tại các BV công là nguyên nhân sâu xa gây lên nhiều hệ lụy đáng tiếc trong việc thực hiện xã hội hóa (XHH) y tế.


Minh bạch giữa công và tư


Trao đổi với PV Tin Tức về các giải pháp hạn chế mặt trái của XHH y tế, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, bên cạnh việc Nhà nước tăng cường đầu tư cho y tế, thì cần phải có chính sách để giảm dần, tiến tới chấm dứt việc thực hiện XHH theo hình thức công, tư liên doanh, liên kết lắp đặt trang thiết bị y tế tại các bệnh viện (BV).

Khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận. Nguyễn Thủy – TTXVN


GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Mục đích góp vốn suy cho cùng cũng là hy vọng có chút lời lãi (phải cao hơn so với gửi tiết kiệm). Mà muốn thu hồi vốn nhanh thì khó tránh việc lạm dụng. Đó là chưa nói đến chuyện người có khả năng góp vốn thường là những người có chức quyền trong BV, dễ dẫn đến việc mất đoàn kết trong nội bộ đơn vị do khó minh bạch trong việc chia chác lời lãi”.


GS Hùng cho rằng: Cần xem xét thay đổi hình thức góp vốn để mua trang thiết bị y tế. “Tại sao không bàn giữa việc cho góp vốn hay vay vốn? Nếu BV quyết định vay vốn ưu đãi của ngân hàng thì sau khi trả xong vốn, máy móc đó sẽ là sở hữu của BV, chứ không phải của vài cá nhân. Thậm chí, vẫn có thể cho góp vốn để mua trang thiết bị, nhưng phải được cán bộ nhân viên đồng thuận và có quy chế giám sát, tránh tình trạng lạm dụng dịch vụ kỹ thuật từ máy móc XHH ”, GS Phạm Mạnh Hùng nêu ý kiến.


Đồng tình với quan điểm này, TS Dương Huy Liệu, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế y tế Việt Nam, khẳng định: “Tôi luôn bảo vệ quan điểm không được cổ phần hóa BV công. Bởi như vậy, chúng ta vẫn nắm được quyền kiểm soát giá dịch vụ y tế và người dân sẽ được hưởng lợi từ hoạt động này. Nếu có bàn tay tư nhân thì hệ thống y tế công sẽ bị méo mó, rất khó điều tiết được giá dịch vụ”.


Theo TS Dương Huy Liệu, nên điều chỉnh hình thức góp vốn từ việc liên doanh liên kết với tư nhân sang hình thức vay vốn ngân hàng để đầu tư trang thiết bị y tế tại các BV công. Về hình thức góp vốn có vẻ giống nhau vì nguồn vốn đều không do ngân sách nhà nước đầu tư nhưng thực ra khác nhau về bản chất: Một bên là sở hữu công và bên còn lại là sở hữu tư nhân.


Tăng cường kiểm tra, giám sát


Theo ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Tăng cường kiểm tra sẽ hạn chế được mặt trái của XHH. Một trong những đơn vị thực hiện hoạt động giám sát kiểm tra có hiệu quả nhất là cơ quan bảo hiểm y tế thuộc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH VN)”
Thực tế từ những lần trực tiếp đi giám sát tại địa phương của ông Nguyễn Văn Tiên cho thấy, BHXH VN đã cử nhiều đoàn đi thanh tra các tỉnh, thành phố. Hầu như, đi đến thì đều phát hiện sai phạm và sau đó thì cơ sở y tế bị “nhắc nhở” đã tiến bộ hẳn. “Tôi cho rằng, trong sửa luật BHYT tới đây cần tăng cường vai trò kiểm tra, giám định của BHXH VN, nếu các cán bộ này thường xuyên “vi hành” kiểm tra thì sẽ hạn chế được tình trạng lạm dụng quỹ BHYT tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh”, ông Tiên khẳng định.


“Tăng cường kiểm tra sẽ hạn chế được mặt trái của XHH. Một trong những đơn vị thực hiện hoạt động giám sát kiểm tra có hiệu quả nhất là cơ quan bảo hiểm y tế thuộc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam”. Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

Ngoài ra, ông Tiên cũng cho rằng, ngành y tế cần tiếp tục triển khai cơ chế tách riêng các hoạt động dịch vụ tự nguyện trong các BV công. Hiện nay, hầu như BV nào cũng có 5 - 10% phòng bệnh dành riêng cho những bệnh nhân tự nguyện; trong khi đó nhiều bệnh nhân BHYT lại phải nằm chen chúc tới 2 - 3 người/giường. Vì vậy, cần có chính sách cho các cơ sở y tế vay tiền xây dựng riêng khu khám chữa bệnh dịch vụ. Sau đó, cho phép BV thu theo giá dịch vụ đã quy định. Như vậy, sẽ đảm bảo sự minh bạch, kiểm soát được nguồn thu - chi và không có sự lẫn lộn giữa công, tư.


Còn theo TS Dương Huy Liệu, Nghị định 85/2012/NĐ - CP về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập ban hành ngày 5/10/2012 là một văn bản quan trọng, sẽ khắc phục được rất nhiều bất cập trong hoạt động XHH y tế thời gian qua. Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng các hướng dẫn chi tiết để thực hiện Nghị định này.


“Cần đánh giá lại việc sử dụng giữa máy công và tư trong hệ thống y tế để có phương án xử lý thích hợp. Sau đó, nếu máy móc XHH nào thực sự phù hợp với nhu cầu khám chữa bệnh thì cho tiếp tục hoạt động song song với tăng cường kiểm tra, giám sát. Nơi nào mà đã có đầu tư công rồi thì cần phải xem xét lại việc tồn tại của máy móc liên doanh, liên kết”, TS Dương Huy Liệu đề xuất.


Phương Liên

 

Bài cuối: Khuyến khích vay vốn ngân hàng

Quản lý trang thiết bị y tế xã hội hóa: Bài 1
Quản lý trang thiết bị y tế xã hội hóa: Bài 1

Xã hội hóa y tế là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì hoạt động xã hội hóa y tế cũng đã bộc lộ những hạn chế cần sớm khắc phục, nhất là trong việc quản lý trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN