Quản lý trang thiết bị y tế xã hội hóa: Bài 1

Xã hội hóa y tế là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì hoạt động xã hội hóa y tế cũng đã bộc lộ những hạn chế cần sớm khắc phục, nhất là trong việc quản lý trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công.

 

Bài 1: “Nhập nhèm” công - tư

 

Lạm dụng trang thiết bị y tế xã hội hóa trắng trợn, thiếu minh bạch trong góp vốn đầu tư cũng như chia lợi nhuận gây mất đoàn kết, thậm chí còn dẫn đến tình trạng đối tác góp vốn thuê giang hồ truy sát lãnh đạo bệnh viện... đó là những vấn đề nghiêm trọng đã phát sinh trong quá trình thực hiện xã hội hóa y tế thời gian qua.


“Đắp chiếu” máy công


Vụ việc nhân bản xét nghiệm tại Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Hoài Đức đầu tháng 8 vừa qua, khiến dư luận vô cùng bức xúc. Đến nay, cơ quan điều tra vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc này; tuy nhiên, kết quả điều tra ban đầu cho thấy, nội dung đơn thư tố giác của 3 cán bộ về việc in kết quả xét nghiệm huyết học khống để thanh toán tiền Bảo hiểm y tế tại BV Đa khoa Hoài Đức là đúng sự thực.


3 kết quả xét nghiệm khống của bệnh nhân 40 tuổi mắc bệnh tâm thần, bệnh nhi 3 tuổi mắc viêm phế quản và bệnh nhi 1 tuổi bị tiêu chảy có cùng chỉ số sinh hóa và huyết học. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Theo bà Hoàng Thị Nguyệt, một trong những người đứng đơn tố cáo những sai phạm tại BV Đa khoa Hoài Đức, việc thực hiện những xét nghiệm nêu trên phần lớn được thực hiện từ máy móc được trang bị theo hình thức “liên doanh, liên kết” giữa BV và Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây.


Tháng 12/2011 và 8/2012, BV Đa khoa Hoài Đức lần lượt tiếp nhận máy huyết học, máy phân tích nước tiểu và máy sinh hóa máu bán tự động của Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây. Lãnh đạo BV Đa khoa Hoài Đức đã sắp xếp toàn bộ số máy móc này vào khu vực xét nghiệm ngoại trú, nơi thực hiện tới 97% khối lượng công việc xét nghiệm của toàn BV sau đó.


“Tổng giá trị của 3 chiếc máy “liên doanh, liên kết” chỉ khoảng 250 triệu đồng, các cơ sở tư nhân cũng có thể mua được, BV Đa khoa Hoài Đức cũng có thể tự mua vì tổng thu của BV mỗi năm khoảng 20 tỉ đồng. Thế nhưng, giám đốc BV không hề lập kế hoạch để mua thêm máy móc. Hơn nữa, BV không cho tu sửa, bảo dưỡng và cho nhập kho 2 máy huyết học và một máy sinh hóa máu bán tự động của nhà nước, dù máy chỉ bị hỏng rất nhẹ như hỏng bàn phím, bóng đèn, dây bơm... Điều đó cho thấy có sự “bảo hộ” đặc biệt đối với máy móc được trang bị theo hình thức liên doanh, liên kết”, bà Nguyệt khẳng định.


“Đắp chiếu” máy móc công, thiếu minh bạch trong “liên kết, liên doanh” với doanh nghiệp tư nhân, cho đặt máy móc tư để lạm dụng xét nghiệm, trục lợi từ quỹ BHYT và từ việc bán hóa chất... là những biểu hiện của lợi ích nhóm tại BV Đa khoa Hoài Đức, không chỉ ảnh hưởng đến cán bộ BV mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, cần được cơ quan chức năng làm rõ”, bà Nguyệt và 2 cộng sự đã khẩn thiết ghi trong đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng.


Gia tăng khiếu nại


Cũng vào đầu tháng 8/2013, tại BV Thanh Nhàn bỗng nhiên có hàng chục người căng băng rôn, biểu ngữ trước khu vực phòng khám với yêu cầu BV phải tổ chức đối thoại và đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp. Song song với đó, Công ty TNHH Kinh doanh và Dịch vụ thiết bị y tế Đ - Y33 (Công ty Đ - Y33) gửi văn bản kiến nghị xử lý các sai phạm tại BV Thanh Nhàn tới nhiều cơ quan chức năng như: UBND, HĐND TP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến...


Nội dung đơn kiến nghị nêu rõ, Công ty Đ - Y33 và BV Thanh Nhàn đã ký kết các hợp đồng cho thuê thiết bị y tế, gồm: Hệ thống máy phẫu thuật nội soi, máy chụp cắt lớp vi tính - siêu âm - X quang kèm, máy chụp cộng hưởng từ, X quang kỹ thuật số kèm vật tư cùng hóa chất tiêu hao... Tổng giá trị các thiết bị, máy móc này lên đến hàng chục tỷ đồng, nên phía đầu tư chỉ có thể hoàn vốn nếu BV thực hiện đúng cam kết về thời hạn thuê máy (năm 2020). Tuy nhiên, gần đây lấy cớ thực hiện Dự án Đầu tư nâng cấp BV Thanh Nhàn giai đoạn II, BV đã gửi văn bản tỏ ý muốn đơn phương chấm dứt các hợp đồng đã ký với Công ty Đ - Y33.


Cho đến nay, đại diện Sở Y tế Hà Nội đang nỗ lực để cùng BV Thanh Nhàn giải quyết vấn đề rắc rối xung quanh việc đặt máy móc liên doanh liên kết với Công ty Đ - Y33. Nhưng trong lúc chờ sự giải quyết của các cơ quan chức năng thì nhiều bệnh nhân cấp cứu, điều trị tại BV đã phải đi khắp nơi để chụp chiếu vì... thiếu trang thiết bị y tế.


Chưa hết, cách đó 5 tháng, ông Đào Quang Minh, Giám đốc BV Thanh Nhàn còn bị giang hồ vác dao truy sát. Thoạt nghe, có thể tưởng là hai vụ việc khác nhau, nhưng thực ra tất cả đều liên quan đến việc bất đồng quan điểm trong việc lắp đặt các thiết bị y tế XHH giữa BV Thanh Nhàn với một số doanh nghiệp.


Điều đáng nói, vụ việc nghiêm trọng liên quan đến hoạt động XHH y tế như đã xảy ra tại BV Đa khoa Hoài Đức, BV Thanh Nhàn không phải là cá biệt. Tổng kết mới nhất của chính ngành y tế về vấn đề này cũng đã chỉ ra rằng: Một số BV có xu hướng chỉ quan tâm đến khoa, phòng, lĩnh vực có thu hoặc tập trung kinh phí và nhân lực vốn đã hạn hẹp để phát triển khu dịch vụ theo yêu cầu. Đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao chưa tương xứng với năng lực, trình độ chuyên môn, nhu cầu khám chữa bệnh, nhất là một số trang thiết bị chẩn đoán, kỹ thuật cao. Thiếu sự phối hợp, công nhận kết quả lẫn nhau giữa các BV. Còn có đơn vị có tình trạng lạm dụng các dịch vụ, kỹ thuật từ các trang thiết bị xã hội hóa.


Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề?



Phương Liên

 

Bài 2: Cần thay đổi hình thức góp vốn đầu tư 

Khởi tố 10 cán bộ bệnh viện Hoài Đức
Khởi tố 10 cán bộ bệnh viện Hoài Đức

Liên quan đến vụ gian lận kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), sáng 20/8, Công an thành phố Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố đối với 10 bị can là lãnh đạo, nhân viên bệnh viện này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN