Quản lý tốt sẽ tránh được bất cập

Các đô thị ở nước ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề bất cập như ô nhiễm môi trường, kết cấu hạ tầng gồm đường xá, thoát nước, chiếu sáng thiếu đồng bộ, nhà siêu mỏng siêu méo... TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị (ảnh) trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về vấn đề này.

 

Thưa ông, ông có thể phân tích thực trạng chung của các đô thị Việt Nam?


Nhiều đô thị ở nước ta, kể cả Hà Nội, đang phát triển theo chiều rộng chứ không theo chiều sâu. Diện tích đất chưa sử dụng hết nhưng đã lo mở rộng. Ví dụ, khu vực nội thành Hà Nội hiện nay còn rất nhiều khu đất trống chưa được đầu tư xây dựng như khu Long Biên, Hoàng Mai... Việc phát triển theo chiều rộng sẽ phải đối mặt với thực tế hạ tầng yếu kém. Chúng ta không có nhiều tiền để phát triển trải rộng như vậy. Đây là cách làm xé lẻ, không hình thành một đô thị hiện đại. Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cũng từng khuyến cáo về điều này. Chúng ta muốn phát triển theo chiều rộng nhưng không có đủ năng lực.


Tất nhiên vẫn có một số điểm sáng trong xây dựng đô thị phát triển có bài bản như khu Phú Mỹ Hưng tại TP Hồ Chí Minh, TP Vũng Tàu, TP mới Bình Dương, Đà Nẵng... Nhưng những vấn đề bất cập lại thường xuất hiện và tồn tại ở những thành phố lớn, những đô thị cũ phát triển từ lâu do dân cư quá đông.

 

Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông?

Chính quyền chưa có tầm nhìn trong khâu tổ chức và quy hoạch đô thị. Những người có trách nhiệm giúp chính quyền thực hiện quy hoạch thì thiếu tính chuyên nghiệp. Hơn nữa, tình trạng tham nhũng, thiếu minh bạch vẫn xảy ra tại các dự án đầu tư xây dựng tại Việt Nam.


Sự xuất hiện của nhà siêu mỏng, siêu méo là do khâu giải phóng mặt bằng chưa khoa học. Vì nhiều lý do, các chủ sử dụng đất cũ không thống nhất được việc hợp khối với chủ sử dụng phía sau nên nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn mọc lên, làm mất mỹ quan đô thị.

 

Luật Quy hoạch đô thị có hiệu lực từ năm 2009 đã phát huy tác dụng chưa, thưa ông?


Ngoài Luật này, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện, tạo khung pháp lý cho việc quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, vẫn cần thời gian để Luật đi vào cuộc sống. Theo tôi, vấn đề cốt yếu nằm ở tư duy. Tư duy của những người làm quy hoạch ở ta vẫn còn chịu ảnh hưởng của tư duy quy hoạch thế kỉ XX. Ngày nay, phải có những quy hoạch chiến lược để tạo tầm nhìn, định hướng cho việc phát triển đô thị. Cả những người quản lý và người đào tạo lĩnh vực quy hoạch cần thay đổi tư duy.

 

Ông có đề xuất giải pháp gì giải quyết dứt điểm tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo?


Chính quyền địa phương phải đứng ra xử lý việc hợp nhất các khối nhà. Nếu các chủ sử dụng không tự thỏa thuận được với nhau thì Nhà nước mua lại để sử dụng vào mục đích công cộng. Tổng hội Xây dựng đã từng đề xuất với thành phố khi đầu tư xây dựng các tuyến đường mới thì thu hồi thêm 50 m hai bên đường để quy hoạch chỉnh trang đô thị, xây dựng hạ tầng. Những thửa đất còn lại quá bé thì phải thu hồi hết, kinh phí bồi thường lấy từ nguồn vốn thực hiện dự án giao thông.


Bên cạnh đó, công tác quản lý quy hoạch cần được coi trọng; công bố, công khai rộng rãi các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện, đồng thời làm căn cứ để kêu gọi đầu tư xây dựng đô thị.


Mặt khác, chúng ta cũng cần phải tiếp thu kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực quy hoạch đô thị. Xu hướng hiện nay là phát triển đô thị xanh để tạo sự bền vững lâu dài.

 

 Nam Hoàng - Thu Hằng (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN