Tết Tân Mão 2011 là lần thứ 2, đội văn nghệ của ông Sùng Seo Trư tổ chức thành công lễ hội Gầu Tào, thu hút hàng nghìn người Mông ở Bắc Hà, Si Ma Cai, Bảo Yên, Mường Khương, Bảo Thắng, Sa Pa, khách du lịch trong và ngoài nước tham dự hội.
Và kể từ đây chính quyền huyện Bắc Hà, xã Tả Văn Chư , đã đưa lễ hội Gầu Tào vào danh sách lễ hội lớn nhất được tổ chức hằng năm.
Ông Sùng Seo Trư, người vừa được suy tôn "Nghệ nhân văn hóa dân tộc Mông" ở Bắc Hà (Lào Cai) tâm sự: “Sinh thời, Bác Hồ hết sức quan tâm tới việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có văn hóa dân tộc Mông.
Vậy mà một thời gian dài, lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông bị quên lãng, tôi rất buồn. Nhớ lời Bác dạy, tôi luôn suy nghĩ tìm cách để khôi phục lễ hội Gầu Tào, bởi đó là hình ảnh thu nhỏ đời sống tinh thần, vật chất và tâm linh của người Mông”.
Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông, Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: Lục Văn Toán |
Sinh ra và lớn lên ở xã vùng cao Tả Văn Chư, huyện Bắc Hà (Lào Cai) - cái nôi của văn hóa dân tộc Mông, nghệ nhân Sùng Seo Trư năm nay gần 60 tuổi, nhưng ông vẫn nhớ như in các câu dân ca và các điệu múa, tiếng khèn, tiếng sáo Mông.
Những âm thanh đó là “người bạn” theo ông lên nương rẫy, theo chân ông đi trẩy hội xuân hay xuống chợ Bắc Hà. Vậy mà đã bao mùa xuân qua, ở các vùng đồng bào Mông Bắc Hà không còn tổ chức lễ hội Gầu Tào nữa. Ông Trư và bà con dân tộc ở đây chỉ còn cách đi hội Gầu Tào “ké” ở huyện Si Ma Cai, Bảo Yên, Bảo Thắng, Mường Khương…
Năm 2006, ông Trư đã đứng ra thành lập các đội văn nghệ - thể thao dân tộc Mông ngay tại thôn Sừ Mừn Khang. Nhớ lại những ngày đầu, để tập hợp được thanh niên học thổi sáo, múa khèn, múa sênh tiền, múa võ, hát dân ca… là rất vất vả.
Một số gia đình phản đối bởi các thanh niên còn bận lo sinh kế. Ông Trư đã làm gương, đưa cả vợ, con mình vào đội văn nghệ, tích cực đến tận nhà vận động, giải thích giúp các gia đình người Mông hiểu và ủng hộ. Đội văn hóa - văn nghệ, thể thao đã thu hút 20 người, từ các ông, các bà đến thanh, thiếu niên trẻ tích cực tham gia luyện tập đều đặn mỗi tháng từ 3- 4 lần vào các buổi tối tại nhà văn hóa thôn.
Ông Trư đã nhiệt tình truyền dạy lại các điệu múa khèn, sênh tiền, các điệu võ tay không, binh khí, thổi sáo, khèn, các nghi lễ của người Mông cho mọi người.
Việc làm của ông Trư không chỉ góp phần bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị văn hóa dân tộc mà còn tạo ra sân chơi vui vẻ, lành mạnh, đầy ý nghĩa vào dịp Tết cho đồng bào Mông Bắc Hà. Đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất và người vùng cao Bắc Hà, mở ra cơ hội phát triển mô hình “cộng đồng làm du lịch” tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định, xóa nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào Mông ở vùng cao Bắc Hà.
Nếu như người Dao có "Chợ tình", người Giáy có lễ hội Róng Poọc để trai gái tâm tình tìm người yêu thì người Mông có hội “Gầu Tào” giúp trai gái nên duyên vợ chồng. Theo nghệ nhân Sùng Seo Trư, "Gầu Tào" trong tiếng Mông có nghĩa là “chơi ngoài trời”. Gầu Tào, bên cạnh phần lễ, phần hội bộc lộ rõ bản sắc văn hóa dân tộc qua các sinh hoạt cộng đồng. Vậy nên Gầu Tào là lễ hội tiêu biểu nhất của người Mông. Từ dụng ý ban đầu là lễ tạ ơn thần linh sông núi, chúc tụng con đàn cháu đống, mang màu sắc tôn giáo ngày xưa, Gầu Tào của đồng bào Mông Bắc Hà ngày nay đã được nâng cao, lược bỏ những nét mê tín, trở thành ngày hội giao lưu văn hóa nghệ thuật đậm chất dân gian sau một năm người dân lao động vất vả. |
Lục Văn Toán