Là đại biểu của Đảng bộ tỉnh Lào Cai dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, chị Đinh Thị Hưng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lào Cai mong muốn Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù để phụ nữ nông thôn miền núi tham gia quản lý nhà nước và xã hội ở địa phương.
Đó cũng chính là nguyện vọng của đông đảo phụ nữ các dân tộc tỉnh Lào Cai.
Phụ nữ miền núi mong có các cơ chế, chính sách giúp họ có điều kiện tham gia quản lý Nhà nước. Ảnh (minh họa): Bích Ngọc - TTXVN |
Chị cho biết: Tỉnh Lào Cai có 25 dân tộc, với dân số hơn 60 vạn người, trong đó có 64% là đồng bào dân tộc thiểu số, 49,6% dân số là nữ. Triển khai thực hiện Nghị quyết 11, Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị về công tác cán bộ nữ trong thời kỳ mới, nhiệm kỳ vừa qua, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành các nghị quyết liên quan đến bình đẳng giới nhằm lãnh đạo và triển khai thực hiện tốt công tác cán bộ; tiến hành quy hoạch, bồi dưỡng và đánh giá cán bộ theo đúng quy trình, đảm bảo dân chủ, khách quan, chính xác.
Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010- 2015, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy ba cấp trung bình đạt tỷ lệ 16,3%. Địa phương đã quan tâm tới công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ nữ; thường xuyên giới thiệu cán bộ nữ, nhất là nữ người dân tộc thiểu số có trình độ, năng lực để các cấp, các ngành đề bạt vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhà nước và xã hội.
Tỷ lệ nữ được bồi dưỡng, kết nạp đảng tăng nhiều so với trước, chiếm 40% trong tổng số đảng viên mới kết nạp, nâng tỷ lệ đảng viên nữ trong toàn tỉnh lên 28,7%. Tỷ lệ cán bộ, CNVC nữ trong tỉnh tương đương với nam giới.
Đi liền với phát triển về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ nữ cũng được nâng lên thông qua việc bố trí học tập, đào tạo, nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, bảo đảm “vừa hồng vừa chuyên”. Vì vậy, chị em đã tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở địa phương có hiệu quả, được nhân dân tín nhiệm.
Tuy nhiên, tỉnh Lào Cai hiện có ba huyện nghèo (theo Chương trình 30a của Chính phủ), có 95/144 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, đời sống kinh tế chậm phát triển, phong tục tập quán lạc hậu, người phụ nữ ở vùng cao, vùng sâu chủ yếu làm công việc gia đình, ít tham gia công việc xã hội, ít có cơ hội được học tập, vẫn còn hiện tượng trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng giới.
Đó là lực cản trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ nữ, đặc biệt là cán bộ nữ người dân tộc thiểu số trong giai đoạn CNH - HĐH đất nước, đòi hỏi phải cố gắng hơn, nỗ lực hơn nữa.
Đại biểu Đinh Thị Hưng đề xuất, để có một đội ngũ cán bộ ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ, trước hết các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể cần nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của cán bộ và công tác cán bộ trong điều kiện bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phải xác định rõ công tác cán bộ là trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Lục Văn Toán