Phong tục “trộm vợ” của người Mường

Người Mường ở xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa vẫn duy trì tục “trộm vợ” từ xưa đến nay. Đây là một trong những nét văn hóa mang đậm tính nhân văn được người dân ở đây lưu giữ.

“Trộm vợ” trong đêm

Thông thường, những đôi trai gái Mường yêu nhau nhưng không được sự đồng ý của gia đình thì sẽ đến với nhau bằng phong tục “trộm vợ”. Chàng trai chỉ tiến hành trộm vợ khi đã được sự đồng ý của người con gái mình yêu.

Anh Hà Văn Thúy và chị Ngân Thị Hương thành vợ chồng nhờ phong tục “trộm vợ”.



Trai Mường tiến hành “trộm vợ” vào ban đêm khi mọi thành viên trong gia đình nhà gái đã đi ngủ. Buổi tối, chàng trai vẫn đến nhà gái chơi như thường lệ. Cô gái Mường sẽ được người yêu ra tín hiệu ngầm và hai người rời nhà gái về nhà chàng trai. Sáng sớm, khi nhận ra “tín hiệu” chàng trai để lại, bố mẹ cô gái mới biết con gái mình đã bị trộm.

“Tín hiệu” thường được chàng trai để lại trong hông đồ xôi của nhà gái (nồi đồ xôi truyền thống được làm bằng gỗ của dân tộc Mường ở Thanh Hóa), thông thường là khoảng 100 000 đồng.

Buổi sáng nào cũng vậy, người phụ nữ trong nhà phải dậy sớm để cọ rửa chiếc hông đồ xôi để chuẩn bị bữa sáng. Nếu vào một sáng sớm nào đó, người phụ nữ dân tộc Mường vô tình bắt gặp được khoản tiền trong đó thì sẽ hiểu ngay một người con gái trong nhà vừa bị “trộm” đi tối qua.

Đêm đó, cô gái về nhà chàng trai, tại nhà trai sẽ diễn ra buổi lễ chúc mừng vì đã “trộm vợ” thành công. Bà con làng xóm, người thân và bạn bè sau khi được bố mẹ nhà trai báo tin sẽ đến chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ.

Sáng hôm sau, nhà trai có nghĩa vụ mang lễ đến nhà gái để tạ lỗi vì đã “trộm vợ”. Trong nghi thức tạ lỗi không thể thiếu rượu và lợn. Ngoài ra, còn có tiền, thông thường khoảng 500.000 đồng. Lúc này, gia đình nhà gái không còn cách nào để từ chối, hai bên gia đình sẽ định ngày để tổ chức đám cưới chính thức cho hai con.

Ông Lương Văn Niêng, 68 tuổi, nguyên là cán bộ văn hóa đã nghỉ hưu trú tại thôn Na Phường, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Đây là phong tục có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nhờ nó mà nhiều đôi trai gái yêu nhau đến được với nhau, góp phần xóa đi các hủ tục như cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, thách cưới, môn đăng hộ đối…”.

Thành vợ chồng nhờ “ trộm vợ”

Xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa nơi có hơn 90 % bà con là dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mường và người Thái. Nơi đây, vẫn còn nhiều cặp vợ chồng đến với nhau bằng phong tục “ trộm vợ”.

Hông nấu cơm của người dân tộc Mường là nơi nhà trai đặt tiền để làm tín hiệu “đã trộm vợ”.



Anh Hà Văn Yếng và chị Lường Thị Đoan là người dân tộc Mường ở bản Sủa là trường hợp điển hình. Hai anh chị yêu nhau hơn hai năm nhưng bố mẹ nhà gái cấm vì chê nhà trai nghèo, và họ đã đến với nhau bằng tục “trộm vợ”.

Hiện nay, anh chị đã có hai con, cả hai đều được học hành, con gái đầu đang học lớp 8 và cậu con trai học lớp 5, gia đình hòa thuận. Anh chị luôn là tấm gương của bản trong việc chấp hành mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Hay mới đây nhất, ở bản Na Phường cũng nhờ tục “trộm vợ” mà anh Hà Văn Thúy và chị Ngân Thị Hương đến được với nhau. Hai anh chị cưới nhau đã được 6 tháng, hiện chị Hương đang mang thai. Anh Thúy cho biết: “Mặc dù đời sống vật chất gia đình còn nhiều khó khăn nhưng chúng mình luôn cố gắng vượt qua. Cả hai trân trọng cuộc sống đang có, động viên nhau làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo để có điều kiện tốt nhất đón chào đứa con đầu lòng”.

Bí thư Chi bộ thôn bản Sủa, ông Hà Văn Ân cho biết thêm: “Những cặp vợ chồng đến với nhau bằng phong tục “trộm vợ” thường chung sống rất hạnh phúc, hiếm khi xảy ra trường hợp cãi vã hoặc đánh đập vợ con”.

Bài và ảnh: Ngọc Thi

Phong Tục 'Khờ Chan' - sự biết ơn công cụ lao động của người Mông
Phong Tục 'Khờ Chan' - sự biết ơn công cụ lao động của người Mông

Người Mông huyện Trạm Tấu, Yên Bái có phong tục "Khờ Chan" - rửa và trang trí cho công cụ lao động để nó nghỉ ngơi trong mấy ngày tết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN