Mặc dù bệnh lao có thể phòng tránh và chữa khỏi hoàn toàn nhưng theo số liệu thống kê của Chương trình chống lao quốc gia, mỗi năm, Việt Nam có đến 30.000 người chết vì bệnh lao. Một trong những nguyên nhân chính gây tử vong là do người bệnh chủ quan, không tuân thủ yêu cầu của bác sĩ khiến việc điều trị không đạt kết quả như mong đợi.
Uống thuốc không theo chỉ định
Đối với bệnh lao, việc không tuân thủ chỉ định của bác sĩ là rất nguy hiểm. Nhiều bệnh nhân lao sau khi điều trị được một vài tháng, thấy bệnh tiến triển tốt, không còn dấu hiệu của bệnh liền dừng uống thuốc. Điều này có thể dẫn đến tình trạng lao kháng đa thuốc, lao siêu kháng thuốc rất khó điều trị và tốn kém chi phí.
Điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi TƯ (Bộ Y tế). Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Theo bác sĩ Cornelia Hennig (Tổ chức Y tế Thế giới - WHO), chi phí chữa bệnh lao khá thấp, chỉ khoảng 100 USD trong trường hợp không có biến chứng. Song nếu bệnh nhân không tuân thủ việc điều trị dẫn đến tình trạng lao kháng đa thuốc thì riêng chi phí cho thuốc điều trị cũng lên tới 3.000 - 4.000 USD mà cũng không đảm bảo sẽ chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
Chồng chị Nguyễn Thị Chiên (56 tuổi), ở đội 4, xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, đã mất vì bệnh lao 2 năm về trước.
Anh Bùi Văn Bồi - chồng của chị Chiên phát hiện bị bệnh lao từ năm 2000. Khi ấy nhà nghèo quá nên anh Bồi cứ trì hoãn mãi không chịu đi khám vì sợ tốn tiền. Sau khi điều trị được một thời gian thì bệnh thuyên giảm nhưng đến các năm 2002, 2004 bệnh lại tái phát. “Tôi vẫn cho chồng uống thuốc theo lời bác sĩ nhưng khi hỏi kĩ mới hay, loại thuốc thì đúng nhưng cách uống thì lại sai”, chị Chiên kể.
Lẽ ra đối với bệnh nhân lao, thuốc uống và tiêm thuốc phải cùng một lúc khi bệnh nhân đang đói, thì đằng này chị lại tiêm thuốc cho anh trước, được một lúc rồi mới cho uống thuốc sau khi đã ăn no. Không những thế, dù bị bệnh lao nhưng anh Bồi không có một chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lí. Vì gia đình khó khăn, anh vẫn làm việc nặng nhọc. Anh còn hút thuốc lào và uống nhiều rượu. Thanh Trà, con gái út của anh Bồi kể lại trong nước mắt: “Cháu khuyên bố đừng uống rượu để khỏi bệnh nhưng bố cháu bảo nếu cháu không mua cho thì bố sẽ tự đi mua. Cháu thương bố nên lại đi mua về cho bố uống”.
Kết quả khả quan nếu điều trị đúng
Theo các bác sĩ chuyên khoa lao, điều trị bệnh lao cần một quá trình bền bỉ lâu dài. Nó đòi hỏi người bệnh phải rất kiên trì, không thể nóng vội, chủ quan. Hiện nay, đa phần bệnh nhân lao phải điều trị trong vòng 8 tháng (2 tháng ở bệnh viện và 6 tháng tại nhà). Do vậy, sự hỗ trợ của các thành viên trong gia đình, người thân đối với bệnh nhân rất quan trọng. Hơn nữa, bệnh nhân mắc lao không chỉ uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ mà còn phải có chế độ ăn uống đủ chất, đoạn tuyệt với rượu bia, thuốc lá để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Theo giới chuyên khoa, nếu có sự theo dõi, giám sát sát sao của các y bác sĩ và các bệnh nhân lao đều được phát hiện sớm thì khả năng khỏi bệnh sẽ rất cao. Tại xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, trong số 4 ca mắc lao được phát hiện từ đầu năm đến nay, đã có 2 ca khỏi bệnh hoàn toàn, 2 ca còn lại đang tiếp tục điều trị. Ông Phạm Văn Dương (sinh năm 1956) là một bệnh nhân đã điều trị được 2 tháng. Với các triệu chứng như ho ra đờm đặc, sốt về chiều, ra nhiều mồ hôi, sau khi đi xét nghiệm, các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa huyện Thủy Nguyên kết luận ông Dương đã bị lao. Sau 2 tháng điều trị tại bệnh viện, ông Dương được chuyển về điều trị tại nhà với sự giám sát của bác sĩ trạm y tế xã Thủy Sơn.
Ông Dương cho biết: “Do từ trước đến nay nhà tôi không có ai mắc lao nên 2 tháng trước, khi các bác sĩ nói tôi bị lao, tôi nhất quyết không tin. Tôi bị suy sụp tinh thần nặng lắm vì sợ mình sắp chết”. Tuy nhiên, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy định về uống thuốc cũng như sinh hoạt, hiện giờ, ông Dương đã không còn những triệu chứng của lao. Tuy nhiên ông vẫn còn phải điều trị trong vòng 6 tháng nữa. “Từ khi biết mình bị bệnh, tôi bỏ hoàn toàn rượu và thuốc lào. Bây giờ tôi thấy sức khỏe mình tốt lên nhiều lắm”, ông Dương lạc quan cho biết.
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hải Phòng, năm 2010, bệnh viện này đã chữa khỏi tới 91,8% số bệnh nhân lao trên địa bàn. Tỉ lệ thất bại chỉ là 0,4%. Như vậy, nếu người bệnh hợp tác chặt chẽ với bác sĩ, tuân thủ phác đồ điều trị thì khả năng khỏi bệnh là rất cao.
Bài và ảnh: Hoàng Dương
Bài 2: Điểm yếu ở nhân lực chống lao