Phòng, chống dịch cúm A/H7N9

GS.TS Nguyễn Trần Hiển

Nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Vậy người dân và các cơ quan chức năng cần làm gì để chủ động ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này?
GS.TS Nguyễn Trần Hiển (ảnh), Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.

 

´Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Trung Quốc thời gian qua, ông có nhận định gì về nguy cơ xâm nhập dịch cúm này vào Việt Nam trong thời gian tới?


Điểm đặc biệt của dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc là tình trạng người lành (cháu bé 7 tuổi ở Bắc Kinh) và chim (chim bồ câu và chim cút ở Thượng Hải) gia cầm mang vi rút nhưng không có triệu chứng mắc bệnh, có thể làm lây lan bệnh dịch ra cộng đồng nên rất đáng lo ngại.


Đa số bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 có tiền sử tiếp xúc với gia cầm hay chợ gia cầm sống. Trung Quốc đã phân lập được vi rút cúm A/H7N9 ở chim bồ câu, chim cút, gà. Tuy nhiên, sự hiểu biết về nguồn truyền nhiễm chính, về phạm vi và mức độ nhiễm cúm ở gia cầm vẫn còn hạn chế. Hiện nay, người ta đã ghi nhận 5 chùm ca bệnh gia đình nhiễm cúm A/H7N9 song sự lây truyền từ người sang người không dễ dàng, cần phải nghiên cứu sâu hơn. Một số nhà khoa học cho rằng khả năng lây truyền cúm A/H7N9 từ người sang người cao ở những người có cùng huyết thống, rằng có một yếu tố di truyền nào đó làm tăng khả năng cảm nhiễm với vi rút này. Trên thực tế cũng đã gặp một số trường hợp tương tự đối với các vi rút cúm gia cầm khác, bao gồm cúm gia cầm A/H5N.

Nhân viên kiểm dịch y tế kiểm tra thông tin khách du lịch tại khu vực nhập cảnh ở cửa khẩu Quốc tế Móng Cái. Ảnh: Phương Thúy/TTXVN


Một điều đáng lưu ý khác là trên gia cầm, vi rút cúm A/H7N9 có độc lực thấp nên khó phát hiện; nhưng khi lây bệnh sang người lại chuyển biến nặng dễ gây tử vong. Thống kê cho thấy, phần lớn các ca bệnh nhiễm cúm A/H7N9 đều bị viêm phổi nặng. Triệu chứng bao gồm: Sốt, ho và khó thở, dễ dẫn đến suy hô hấp, suy đa phủ tạng, thậm chí tử vong.


Tại Việt Nam, Bộ Y tế khẳng định nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam trong mùa Đông - Xuân tới là rất lớn, đặc biệt là khi tỉnh Quảng Đông,Trung Quốc, nơi tiếp giáp với miền Bắc Việt Nam, đã ghi nhận 5 ca bệnh. Hơn nữa, chúng ta chưa kiểm soát được tình trạng gia cầm nhập lậu, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán này...

 

´Chủ động giám sát, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng là nhiệm vụ số 1 trong giai đoạn Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh. Vậy, hoạt động giám sát dịch cúm này thời gian qua được triển khai như thế nào, thưa ông?


Sau khi có thông tin về ca nhiễm cúm A/H7N9 đầu tiên tại Trung Quốc, Việt Nam đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống sự xâm nhập của dịch bệnh này. Đặc biệt, ngành y tế đã chú trọng tăng cường giám sát các ca bệnh, các chùm ca bệnh viêm phổi nặng nghi do vi rút tại các cơ sở y tế và cộng đồng. Trước đó, chúng tôi đã tiến hành tập huấn cho các cán bộ y tế tuyến tỉnh, thành phố về các triệu chứng về viêm phổi nặng, khi có ca bệnh sẽ báo cáo và gửi ngay mẫu về các trung tâm y tế với y tế dự phòng để xét nghiệm, nhanh chóng xác định nguyên nhân gây bệnh.


Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tích cực giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là sự lưu hành vi rút cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm. Tới thời điểm này, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp cúm A/H7N9 ở trên người cũng như trên gia cầm.

 

´Người dân cần làm gì để bảo vệ mình trước dịch cúm A/H7N9 nói riêng và dịch cúm khác nói chung trong mùa Đông - Xuân này, thưa ông?


Để phòng bệnh cúm A/H7N9 nói riêng và các bệnh cúm có thể gặp trong mùa Đông - Xuân (H5N1, H9N2...), người dân cần thường xuyên rửa tay với xà phòng. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Tuân thủ đúng các nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm. Vi rút cúm không lây truyền bệnh khi sử dụng thực phẩm đã được nấu chín.


Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y trên địa bàn. Nếu có các biểu hiện cúm như: Sốt cao, ho, đau đầu, khó thở, nhất là có tiền sử tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về hoặc với gia cầm ốm chết thì cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn khám, điều trị kịp thời.


Xin cảm ơn ông!

Ngày 28/12 vừa qua, tại Hồng Kông (Trung Quốc) lại có thêm một bệnh nhân tử vong do nhiễm cúm A/H7N9. Trước đó, ngày 18/12, tại tỉnh Quảng Đông của nước này cũng ghi nhận thêm 2 ca bệnh mới. Từ 3/4 - 28/12/2013, tại Trung Quốc đã ghi nhận 147 ca nhiễm cúm A/H7N9, trong đó có 48 ca tử vong, tỷ lệ chết/mắc là 32,2%. Cụ thể, Trung Quốc đại lục ghi nhận 147 ca mắc tại 12 tỉnh, thành phố, trong đó có 47 ca tử vong; Đài Loan có 1 trường hợp mắc; Hồng Kông có 2 ca mắc, 1 ca tử vong. Riêng tại Trung Quốc, các ca bệnh tập trung chủ yếu ở các tỉnh Triết Giang (51 ca), Thượng Hải (33 ca), Giang Tô (28 ca), Quảng Đông (5 ca)... Như vậy, các ca bệnh vẫn xuất hiện tản phát từ tháng 3/2013 đến nay và dường như có xu hướng lan dần xuống các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định về khả năng sẽ tiếp tục xảy ra các ca bệnh nhiễm cúm A/H7N9 tản phát tại Trung Quốc và một số nước khác do tình trạng gia cầm lành mang vi rút cao. GS.TS Nguyễn Trần Hiển


Phương Liên (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN