Bất chấp lời kêu gọi cùng tham gia chính phủ của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, phe đối lập nước này quyết tiếp tục biểu tình cho đến khi mọi yêu cầu được đáp ứng.
Hàng ngàn người biểu tình chiếm giữ khu phố Grushevsky ở trung tâm Kiev ngày 25/1.Ảnh: AFP - TTXVN
|
Các thủ lĩnh đối lập chọn cách phản ứng “nửa chừng” khi không chấp nhận cũng không thẳng thừng bác bỏ đề xuất chia sẻ quyền lực của Tổng thống Yanukovych. Thủ lĩnh phe đối lập Arseniy Yatsenyuk cho biết lực lượng này sẽ tiếp tục biểu tình để đòi bầu cử sớm.
Trước đó, Tổng thống Yanukovych đã đưa ra đề xuất ông Arseniy Yatsenyuk (cựu Bộ trưởng Kinh tế) giữ chức thủ tướng còn thủ lĩnh Vitali Klitschko giữ chức phó thủ tướng phụ trách vấn đề nhân đạo. Ông cũng tuyên bố sẵn sàng cải tổ chính phủ, cân nhắc thay đổi hiến pháp để giảm quyền lực của tổng thống và đưa Ukraine trở lại hệ thống chính trị mà thủ tướng có nhiều quyền hơn. Ngoài ra, Tổng thống Yanukovych đồng ý đưa ra một dự luật ân xá cho những người biểu tình đã bị bắt và xem xét lại luật chống biểu tình vừa được quốc hội thông qua. Điều kiện ân xá là phe biểu tình phải kiềm chế những kẻ quá khích và rút khỏi các tòa nhà đang chiếm đóng.
Trong khi đó, ngày 26/1, Trung tâm hội nghị quốc tế "Nhà Ukraine" (ICC) tại Kiev đã trở thành địa điểm giao tranh tiếp theo giữa người biểu tình và cảnh sát. Những người biểu tình đã ném bom xăng và đập vỡ cửa sổ của tòa nhà để đột nhập vào bên trong. Lực lượng an ninh bên trong tòa nhà đã buộc phải đáp trả bằng lựu đạn gây choáng. Một số người cho biết lý do họ tấn công là vì trưa 25/1, ICC đã được trưng dụng làm căn cứ của các lực lượng đặc nhiệm "Berkut" của Ukraine. Phe biểu tình lo ngại lực lượng này sẽ tận dụng vị trí và "tấn công" vào "hậu phương" của đám đông biểu tình trên phố Grushevskogo.
Thùy Dương