Xin đồng chí cho biết những thành tích nổi bật của đội ngũ cán bộ thôn, buôn vùng Tây Nguyên?
Cán bộ thôn, buôn là những “đầu tàu” trong “đoàn tàu đại đoàn kết dân tộc” đã và đang góp phần tích cực xây dựng tổ chức đảng ở các thôn, buôn trong sạch, vững mạnh, xây dựng nông thôn mới, gìn giữ truyền thống yêu nước, vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc bằng những việc làm bình dị và thiết thực. Cụ thể, đối với công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, các chi bộ thôn, buôn ở vùng Tây Nguyên luôn thực hiện tốt nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo, quản lý, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, là hạt nhân lãnh đạo chính trị, trung tâm đoàn kết, lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của ban tự quản và các đoàn thể quần chúng ở thôn, buôn.
Thông qua các phong trào hành động cách mạng, bình quân mỗi năm toàn vùng Tây Nguyên kết nạp trên 5.000 đảng viên mới, tỷ lệ đảng viên là người dân tộc thiểu số, đảng viên có đạo được kết nạp ngày một tăng cao. Đến nay đã có 99,85% thôn, buôn có chi bộ, 99,75% thôn, buôn có đảng viên. Tỉnh Gia Lai đã có 100% thôn, buôn có chi bộ và có đảng viên là người tại chỗ, là tỉnh về đích sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra. Lâm Đồng là tỉnh kết nạp đảng viên là người có đạo cao nhất vùng, với gần 3.300 đảng viên, chiếm 8,62% trong tổng số đảng viên toàn tỉnh.
Cán bộ truyền thông tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người dân ở các thôn, buôn của xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ảnh: Dương Giang - TTXVN |
Còn kinh nghiệm từ tỉnh Kon Tum cho thấy, việc các chi bộ thực hiện mô hình phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ người dân tộc thiểu số để hướng dẫn, giúp đỡ cách thức làm ăn, tổ chức cuộc sống là một trong những cách làm đạt hiệu quả, đồng thời, thông qua đó để bồi dưỡng, kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng. Nhờ vậy, Kon Tum luôn là tỉnh dẫn đầu trong khu vực về kết nạp đảng viên người dân tộc thiểu số và cũng là địa phương có số lượng chi bộ có chi ủy là người dân tộc thiểu số cao nhất vùng. Chất lượng hoạt động của các chi bộ, nhất là vai trò của các đồng chí bí thư chi bộ ở các thôn, buôn ngày một nâng lên, hiệu quả thiết thực để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tên địa bàn.
Tiêu biểu trong lĩnh vực này có đồng chí Đinh Đưm, Bí thư chi bộ giỏi về công tác xây dựng Đảng làng Leng Tô, thị trấn Đắk Pơ (Gia Lai), chi bộ đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh" nhiều năm liền; đồng chí Xiêng Thị Lang, Bí thư chi bộ thôn Nông Nhầy 1, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) về lãnh đạo xây dựng các đoàn thể thôn vững mạnh, chi bộ nhiều năm liền đạt “Trong sạch vững mạnh”; đồng chí Păng Tinh Uôk (dân tộc Cill), là Bí thư chi bộ ở thị trấn Lạc Dương (Lâm Đồng) có nhiều tâm huyết trong việc vận động cộng đồng giáo dân chung tay xây dựng nông thôn mới, chi bộ nhiều năm liền đạt "Trong sạch vững mạnh", không có đảng viên vi phạm kỷ luật…
Các cán bộ thôn, buôn đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo được sự đồng thuận trong nhận thức, tư tưởng và hành động làm cho mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng đều tỏ rõ quyết tâm đóng góp công sức của mình cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để tập trung mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Qua 5 năm triển khai, nguồn vốn huy động đạt trên 90.000 tỷ đồng để thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong đó, phần đóng góp của đồng bào các dân tộc trên 15.000 tỷ đồng. Đã đầu tư triển khai thực hiện hàng ngàn công trình, dự án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã, các khu dân cư.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng đầu tư xây dựng hàng ngàn mô hình sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả… góp phần làm cho thu nhập của người dân tăng dần hàng năm, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được tăng lên. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có 95 xã, một huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 284 xã đạt từ 10 đến 18 tiêu chí…Trong quá trình thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn vùng Tây Nguyên đã xuất hiện hàng ngàn tấm gương trưởng buôn, trưởng thôn, bí thư chi bộ tiêu biểu vừa làm tốt vai trò "đầu tàu", vừa thể hiện sự gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để không những làm giàu cho gia đình mình mà còn giúp đỡ đồng bào các dân tộc nghèo về vốn, con giống, kỹ thuật… đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Cán bộ thôn, buôn của vùng Tây Nguyên cũng đã đi đầu và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng 2.409 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở buôn, làng, 1.151 nhà rông, phục hồi 258 lễ hội và 2.326 đội cồng chiêng…
Theo đồng chí, cần phải làm gì để vai trò của đội ngũ cán bộ thôn, buôn vùng Tây Nguyên trong thời gian tới phát huy hiệu quả hơn?
Mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong những năm tới là tập trung phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội. Một trong những chính sách phát triển Tây Nguyên mà cấp ủy đảng, chính quyền các cấp luôn xác định, đó là: Lấy đội ngũ cán bộ ở cơ sở là đối tượng ưu tiên, coi sự ổn định và phát triển thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đạo giáo, vùng biên giới… là một trong những nhân tố đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của vùng Tây Nguyên. Do vậy, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên mong muốn đội ngũ cán bộ thôn, buôn cần tiếp tục nêu cao vai trò lãnh đạo của mình trong xây dựng và phát triển thôn, buôn, giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ở từng địa phương, cơ sở.
Củng cố, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của chi bộ, sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, gương mẫu đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, xã hội, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên đảm bảo 100% thôn, buôn đều có tổ chức cơ sở đảng, có đảng viên tại chỗ. Chính quyền các cấp vùng Tây Nguyên cần có biện pháp hữu hiệu nhằm tăng cường công tác bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ thôn, buôn, đặc biệt quan tâm đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, đầu tư nâng cấp trang thiết bị phục vụ công tác, thực hiện tốt chế độ chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, buôn. Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị các cấp trong công tác vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư để Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!