Phân định trách nhiệm để hạn chế cấp trùng thẻ BHYT

Theo kết luận tại Văn bản số 1584/KL - TTr ngày 13/12/2012 của Giám đốc Sở Tài chính Yên Bái, tỉnh Yên Bái đã cấp trùng gần 19.860 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT); trong đó, nhóm đối tượng cấp trùng nhiều nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, cựu thanh niên xung phong, cựu chiến binh và người tham gia kháng chiến trước năm 1975, với 14.934 thẻ. Số thẻ cấp trùng còn lại là nhóm đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên.


 

Nguyên nhân là do các địa phương trong tỉnh chưa thực hiện đầy đủ công tác rà soát, phân loại đối tượng, không đối chiếu họ tên, ngày tháng năm sinh... khi lập danh sách để gửi các phòng chức năng.


Việc cấp trùng thẻ BHYT là do sự thiếu trách nhiệm của cá nhân và các đơn vị liên quan của cả một hệ thống ở cơ sở. Minh chứng cho điều này, chúng tôi đã được một vài người có tới 3 - 4 thẻ BHYT cho biết, thấy Nhà nước cho thẻ khám chữa bệnh không mất tiền viện phí nên họ nhận, bởi theo họ càng có nhiều thẻ thì càng dễ khám bệnh. Còn một trưởng thôn lại cho hay: “Mình cũng biết có người trong thôn được cấp tới 3 thẻ BHYT, nhưng báo lên cấp trên cũng không được gì, còn không báo thì cũng không mất gì nên mình thôi không báo”.


Ngay như trong quý I/2013, số thẻ BHYT ở huyện Trạm Tấu được cấp gần 29.700 thẻ, trong khi đó dân số của huyện chỉ có khoảng 28.500 người mà huyện vẫn không phát hiện được - đó là chuyện lạ nếu như không phải là do thiếu trách nhiệm.


Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Yên Bái hiện đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tự giác lựa chọn một loại hình BHYT mà mình được hưởng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt các đối tượng được cấp thẻ BHYT ngay từ khu dân cư... để tránh việc cấp trùng thẻ BHYT. Tuy nhiên, để tránh tình trạng trên thì việc làm rõ trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân là điều rất cần thiết.

 

Đức Tưởng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN