Phân định rõ chức năng chủ sở hữu nhà nước trong doanh nghiệp

Tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật, sáng 13/8, Chính phủ đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng, dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), định hướng sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005 và định hướng xây dựng dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Hôn nhân và gia đình.


Thảo luận về định hướng xây dựng dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, các thành viên Chính phủ cho rằng, dự án luật phải tạo ra một khung pháp lý đầy đủ, cụ thể đối với hoạt động đầu tư vốn và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; phân định rõ chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của chủ sở hữu nhà nước trong hoạt động đầu tư vốn và quản lý vốn nhà nước đã đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của Đảng về sắp xếp và phát triển doanh nghiệp nhà nước; tuân thủ nguyên tắc phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế trước pháp luật...


Vấn đề về vai trò chủ sở hữu nhà nước; về “vốn nhà nước” quy định trong luật; quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; tiền thu lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ... là những nội dung được các thành viên Chính phủ tập trung đóng góp ý kiến.


Việc sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu khách quan của thực tiễn hôn nhân và gia đình Việt Nam; công nhận, thực hiện và bảo vệ tốt hơn các quyền nhân thân và tài sản của cá nhân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; nâng cao trách nhiệm của cá nhân đối với gia đình, vai trò của gia đình đối với xã hội và vai trò của Nhà nước, xã hội đối với gia đình.


Dự thảo luật đã sửa đổi 50 điều, bổ sung mới 57 điều so với luật hiện hành. Những vấn đề lớn, quan trọng mà dự thảo luật đề cập là: Áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình; giải quyết hậu quả của việc nam, nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; xác định tài sản chung của vợ chồng trong chế độ tài sản theo luật định; xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.


Các thành viên Chính phủ đã thảo luận những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau trong dự án luật liên quan đến tuổi kết hôn; kết hôn giữa những người cùng giới tính; ly thân; mang thai hộ...


Đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung các ý kiến đóng góp để xây dựng, sớm hoàn thiện các dự án luật.


Thiện Thuật


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN