Gần đây, trong một số hội nghị, hội thảo quốc tế, một số quan chức cao cấp, tướng lĩnh, nhà ngoại giao, học giả Trung Quốc lên tiếng cho rằng: Trung Quốc có chủ quyền ở quần đảo Nam Sa (Trường Sa); giàn khoan Hải Dương - 981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Hoàng Sa thuộc Trung Quốc; Việt Nam cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng biển mà Việt Nam không có chủ quyền... Tất cả những cái gọi là “lý lẽ” ấy đều không có cơ sở pháp lý nếu phân tích rõ những nguyên tắc và quy phạm pháp luật quốc tế được thế giới thừa nhận rộng rãi.
Bài 1: Nguyên tắc xác định “quyền thụ đắc lãnh thổ” trong pháp luật quốc tế
Trong lịch sử phát triển lâu dài của pháp luật quốc tế, những nguyên tắc và quy phạm pháp luật xác lập chủ quyền lãnh thổ đã được hình thành trên cơ sở thực tiễn quốc tế (như “chiếm hữu thật sự”, “chủ quyền lịch sử”, “khoảng cách địa lý”...), nhưng nguyên tắc “thụ đắc lãnh thổ quốc gia” mới là phương thức đánh giá một cách khách quan, khoa học đối với các quan điểm pháp lý do các bên tranh chấp chủ quyền nêu ra và trở thành nguyên tắc được thế giới thừa nhận sử dụng rộng rãi, gọi là nguyên tắc “quyền thụ đắc lãnh thổ quốc gia”.
Tập sách "Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa" của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. |
Trung Quốc đã dựa vào nguyên tắc “chủ quyền lịch sử”, “danh nghĩa lịch sử” để khẳng định chủ quyền các đảo mà họ gọi là Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa), Đông Sa, Trung Sa. Họ khai thác tất cả các yếu tố được ghi nhận trong các tài liệu lịch sử của Trung Quốc để nói rằng, người Trung Quốc đã xuống Biển Đông và khu vực các đảo này, chính họ là người phát hiện, khai phá, đã làm ăn và sau đó là quản lý, đồng thời rêu rao cái gọi là thực hiện chủ quyền của Trung Quốc với các đảo này.
Trong lịch sử phát triển lâu dài của pháp luật quốc tế, những nguyên tắc và quy phạm pháp luật xác lập chủ quyền lãnh thổ đã được hình thành trên cơ sở thực tiễn quốc tế (như “chiếm hữu thật sự”, “chủ quyền lịch sử”, “khoảng cách địa lý”...), nhưng nguyên tắc “thụ đắc lãnh thổ quốc gia” mới là phương thức đánh giá một cách khách quan, khoa học đối với các quan điểm pháp lý do các bên tranh chấp chủ quyền nêu ra và trở thành nguyên tắc được thế giới thừa nhận sử dụng rộng rãi, gọi là nguyên tắc “quyền thụ đắc lãnh thổ quốc gia”.
Từ thế kỷ XVI, sự phát triển và lớn mạnh khiến các nước như Hà Lan, Anh, Pháp... trở thành những cường quốc cạnh tranh với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tại các lãnh thổ mới phát hiện ngoài châu Âu. Trước thực trạng đó, các cường quốc hàng hải đã tìm ra nguyên tắc pháp lý áp dụng cho việc thụ đắc lãnh thổ đối với những vùng lãnh thổ mà họ mới phát hiện, bao gồm nguyên tắc “quyền ưu tiên chiếm hữu” (hay còn được gọi là nguyên tắc “quyền phát hiện”) và cùng với đó là nguyên tắc “chiếm hữu thật sự”.
Theo nguyên tắc “quyền ưu tiên chiếm hữu”, luật pháp quốc tế dành quyền ưu tiên chiếm hữu cho quốc gia đã phát hiện vùng lãnh thổ đó đầu tiên. Tuy nhiên, trên thực tế, nguyên tắc quyền phát hiện chưa bao giờ tự nó đem lại chủ quyền quốc gia cho quốc gia đã phát hiện ra vùng lãnh thổ mới đó, bởi người ta không thể xác định được khái niệm, giá trị pháp lý của việc phát hiện, ai là người phát hiện trước, dấu ấn hành vi phát hiện đó...
Vì thế, việc “phát hiện” được bổ sung bằng việc “chiếm hữu danh nghĩa”, nghĩa là quốc gia phát hiện ra một vùng lãnh thổ phải để lại dấu tích trên vùng lãnh thổ mới phát hiện đó. Tuy vậy, nguyên tắc “chiếm hữu danh nghĩa” không những không giải quyết được một cách cơ bản những tranh chấp phức tạp giữa các cường quốc đối với các vùng “đất hứa”, đặc biệt là những vùng lãnh thổ thuộc châu Phi và các hải đảo nằm cách xa đất liền hàng ngàn hải lý, thậm chí xa hơn..., trái lại còn dẫn đến không ít cuộc đối đầu quyết liệt giữa các cường quốc, bởi không thể lý giải được cụ thể “chiếm hữu danh nghĩa” được lập ra bao giờ và tồn tại như thế nào... Vì vậy, sau Hội nghị về châu Phi năm 1885 của 13 nước châu Âu và Hoa Kỳ, đặc biệt sau khóa họp của Viện Pháp luật quốc tế ở Lausanne (Thụy Sĩ) năm 1888, người ta đã thống nhất áp dụng một nguyên tắc thụ đắc mới, đó là nguyên tắc “chiếm hữu thật sự”.
Điều 3, Điều 34 và Điều 35 của Định ước Berlin ký ngày 26/6/1885 đã xác định nội dung của nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” và các điều kiện chủ yếu để “chiếm hữu thật sự” là: Phải có thông báo về việc chiếm hữu cho các quốc gia ký Định ước nói trên; và phải duy trì trên vùng lãnh thổ mà nước đã thực hiện hành vi chiếm hữu trên vùng lãnh thổ ấy một quyền lực đủ để khiến cho các quyền của nước chiếm hữu được tôn trọng.
Tuyên bố của Viện Pháp luật quốc tế Lausanne năm 1888 đã nhấn mạnh: “... mọi sự chiếm hữu muốn tạo nên danh nghĩa chủ quyền... thì phải là thật sự, tức là thực tế, không phải là danh nghĩa”. Tuyên bố này đã khiến cho nguyên tắc “chiếm hữu thực sự” của Định ước Berlin 1885 có giá trị phổ biến trong luật pháp quốc tế để xem xét, giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia trên thế giới.
Nội dung chủ yếu của nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” trong luật pháp quốc tế gồm các yếu tố sau:
i) Việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do nhà nước tiến hành.
ii) Sự chiếm hữu phải được tiến hành một cách hòa bình, trên một vùng lãnh thổ vô chủ (Res Nullius) hoặc là trên một vùng lãnh thổ đã bị từ bỏ bởi một quốc gia đã làm chủ nó trước đó (derelicto).
iii) Việc sử dụng vũ lực để xâm chiếm là hành động phi pháp. Quốc gia chiếm hữu phải thực thi chủ quyền của mình ở những mức độ cần thiết, tối thiểu thích hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trên vùng lãnh thổ đó.
iv) Việc thực thi chủ quyền phải liên tục, hòa bình.
Do tính hợp lý và chặt chẽ của nguyên tắc này, nên mặc dù Công ước Saint Germain ngày 10/9/1919 tuyên bố hủy bỏ Định ước Berlin 1885 vì thế giới không còn lãnh thổ vô chủ nữa, các luật gia và các cơ quan tài phán quốc tế vẫn vận dụng nguyên tắc này để giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo.
"Lý lẽ" mà Trung Quốc sử dụng để biện minh cho quan điểm của họ sau khi dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam dựa vào cái gọi là thuyết “chủ quyền lịch sử”. Đây là một luận thuyết vô cùng lạc hậu, trái với công pháp quốc tế, không được luật pháp quốc tế dùng để xử lý các tranh chấp về thụ đắc lãnh thổ đối với các quần đảo.
PGS. TS Nguyễn Hồng Quân(Mời xem thêm trên trang web: baotintuc.vn)
Bài 2: Việt Nam có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa