Phái bộ Quan sát viên Liên hợp quốc tại Syria (Xyri) (UNSMIS) ngày 14/7 đã
tới thị sát ngôi làng Traimseh thuộc tỉnh Hama,
miền trung Syria, để tìm hiểu vụ
thảm sát làm hơn 150 người thiệt mạng vừa xảy ra tại đây.
Theo người phát ngôn của Phái bộ, căn cứ vào
chuyến thị sát sơ bộ đó, UNSMIS có thể khẳng định rằng đã xảy ra một cuộc tấn
công, sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau, tại ngôi làng này trong ngày 12/7.
Tuy
nhiên UNSMIS không nói rõ lực lượng nào có khả
năng là thủ phạm trong bối cảnh Chính phủ Syria và phe đối lập ở nước này đang
đổ lỗi lẫn nhau về vụ thảm sát kinh hoàng ở Tramxếch.
Chính phủ Syria nói rằng theo yêu cầu của người
dân bị các nhóm vũ trang hăm dọa, quân đội tiến hành một chiến dịch tại Traimseh
nhằm vào các đối tượng này. Đại diện quân đội Syria cho biết số người thiệt mạng
là những phần tử khủng bố vũ trang chứ không phải dân thường.
Theo đó, chiến dịch đã bắt giữ
được hàng chục tên khủng bố, tịch thu số lượng lớn vũ khí và tài liệu. Trong số
những vật thu được, có nhiều chứng minh thư của người Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Syria
cũng tìm thấy hài cốt của những người dân trong làng, trước đây bị bọn khủng bố
bắt cóc và sát hại.
Trong khi đó, các quan sát viên của UNSMIS nhận
định vụ tấn công ở ngôi làng này dường như nhằm vào các nhóm và ngôi nhà cụ thể,
chủ yếu là các nhà hoạt động và những đối tượng đào ngũ khỏi quân đội.
Nhóm quan sát viên cũng đã tới
xem xét các ngôi nhà bị phá hủy và một trường học bị đốt cháy, cho rằng có nhiều
loại vũ khí được sử dụng trong cuộc tấn công bao gồm đạn pháo, súng cối và vũ
khí hạng nhẹ.
Các giám sát viên LHQ tiếp cận làng Al-Kubeir ở tỉnh Hama, miền trung Syria. Ảnh AFP/TTXVN. |
Về thương vong cụ thể, UNSMIS nói rằng chưa có
xác định rõ ràng. Theo người phát ngôn phái bộ này, nhóm quan sát viên UNSMIS sẽ
trở lại Traimseh trong ngày 15/7 để tiếp tục điều tra tìm kiếm sự thật. Còn
theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (trụ sở tại Anh), hơn 150 người thiệt mạng
trong vụ thảm sát này và đây dường như là vụ thảm sát nghiêm trọng nhất tại Syria
kể từ khi nổ ra làn sóng nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad hồi tháng
3/2011.
Nếu được xác nhận con số
thương vong trên, vụ việc ở Traimseh có mức độ thảm khốc còn hơn cả vụ thảm sát
tại Houla ngày 25/5 làm ít nhất 108 người thiệt mạng.
Vụ thảm sát tại Traimseh một lần nữa làm dấy lên
sự lên án của cộng đồng quốc tế, khiến nhiều cường quốc lặp lại kêu gọi LHQ cần
đưa ra một nghị quyết yêu cầu giới lãnh đạo Syria rút quân đội và vũ khí hạng nặng
khỏi các khu vực dân cư sinh sống trong vòng 10 ngày nếu không Damascus (Đamát)
sẽ phải đối mặt với các trừng phạt phi quân sự.
Tuy nhiên, một nghị quyết như
vậy cần được thông qua theo Chương 7 trong Hiến chương LHQ mà như vậy sẽ cho
phép sử dụng cả vũ lực quân sự để áp đặt thực thi. Nga đã thể hiện sự phản đối
với một nghị quyết mới như vậy.
Bạo lực vẫn tiếp diễn tại tỉnh Hama với 5 người
thiệt mạng ở hai vụ việc khác nhau trong ngày 14/7. Nghiêm trọng nhất là một vụ
nổ gần một trường học làm 2 trẻ em thiệt mạng và 10 người khác bị thương. Vụ
còn lại là đánh bom liều chết bằng ô tô làm 3 người thiệt mạng.
Đánh bom bằng ô tô hay sử dụng
các thiết bị nổ kích hoạt từ xa đang trở thành hình thức bạo lực ngày càng phổ
biến ở Syria trong bối cảnh tình trạng đẫm máu ngày càng nghiêm trọng. Theo một
nhóm hoạt động đối lập, tổng cộng có 73 người thiệt mạng trên khắp Syria trong
ngày 14/7, song con số này chưa được kiểm chứng độc lập.
Bạo lực tại Syria đã khiến 103.000 người nước này bỏ chạy lánh nạn
sang các nước láng giềng Iraq (Irắc), Jordan
(Gioócđani), Lebanon (Libăng) và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cao ủy LHQ về người tị nạn
(UNHCR) cho biết trung bình mỗi tuần có khoảng 600 người Syria chạy sang Lebanon.
Truyền thông Ai Cập đưa tin sau cuộc gặp giữa Tổng
thống Ai Cập Mohamed Morsi và người đồng cấp bên phía Tuynidi Moncef Marzouki
vào ngày 13/7 tại Cairô, hai nhà lãnh đạo đã tuyên bố ủng hộ cuộc nổi dậy của
phe đối lập chống chế độ cầm quyền hiện nay ở Syria, song phản đối sự can thiệp
quân sự của nước ngoài vào quốc gia Trung Đông này.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande
khẳng định vẫn còn thời gian để tìm kiếm một giải pháp chính trị nhằm tránh xảy
ra một cuộc nội chiến ở Syria, song ông cũng hối thúc Nga ngừng ngăn chặn các nỗ
lực nhằm thông qua một nghị quyết về Syria tại Hội đồng Bảo an LHQ.
Còn Tổng Thư ký LHQ Ban
Ki-moon ngày 14/7 đã kêu gọi Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì dùng
"ảnh hưởng" của mình để giúp gây sức ép buộc Tổng thống Assad chấm dứt cuộc xung đột tại Syria. Trung Quốc, một nước ủy
viên thường trực nắm quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ, cùng với Nga cho
tới nay vẫn phản đối áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhà lãnh đạo Syria.
TTXVN/Tin
Tức