Thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình ngày 24/9 cho biết: Hơn nửa tháng bị chia cắt do mưa lũ, cuộc sống của hơn 200 hộ dân, chủ yếu là đồng bào người Rục (dân tộc Chứt) ở ba bản Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đã có lúc tưởng chừng khó vượt qua.
Thế nhưng, nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự sẻ chia của các tổ chức thiện nguyện, đặc biệt là sự sát cánh, đồng hành của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình) nên không có người dân nào bị đói, bị rét, đời sống của đồng bào ổn định.
Cách thành phố Đồng Hới gần 200km, Thượng Hóa là xã nghèo của huyện miền núi Minh Hóa, kinh tế chủ yếu dựa vào nông lâm nghiệp nên đời sống người dân nhiều khó khăn. Trên địa bàn xã có khoảng 200 hộ dân là đồng bào người Rục (còn gọi là dân tộc Chứt) được vận động rời khỏi hang đá ra sống tập trung từ năm 1960.
Mặc dù nơi định cư của bà con là vùng đất cao nhưng tuyến đường độc đạo đến nơi ở của đồng bào Rục rất thấp nên chỉ cần một trận mưa lớn là ngập sâu. Đợt mưa lũ đầu tháng 9, tuyến đường đến ba bản của người Rục ngập hơn 5m, giao thông bị chia cắt hơn nửa tháng.
Bà Cao Thị Liễu (bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa) kể lại, do trời mưa to quá nên nước suối lên nhanh, mọi ngả đường đều bị ngập, người dân không thể đi lại được, nhưng nhờ có chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng kịp thời giúp đỡ, cấp phát gạo, mỳ tôm mà bà con không ai bị đói.
Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay UBND huyện Minh Hóa, chính quyền xã Thượng Hóa đã chủ động đưa 3,5 tấn gạo và nhiều vật dụng khác vào tập kết tại Đồn Biên phòng Cà Xèng trước mùa mưa bão.
Nhờ vậy, dù đợt mưa lũ này kéo dài khiến cho ba bản bị chia cắt nhiều ngày nhưng nguồn lương thực cấp phát cho người dân vẫn đảm bảo. Đặc biệt là sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng nên đời sống của bà con luôn đảm bảo trước, trong và sau mưa lũ.
Anh Cao Văn Hiến (bản Mò O Ồ Ồ) cho biết: Trước khi mưa lũ, chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng tuyên truyền bà con phải đến nơi an toàn để không ảnh hưởng tính mạng, tài sản trong nhà thì chất lên cao.
Bộ đội tham gia dọn dẹp đường sá, giúp dân kê lại đồ đạc khi mưa lũ. Đến nay đã hơn 20 ngày, nước vẫn chưa rút hết nên muốn đi ra trung tâm xã, bà con phải nhờ bộ đội lấy thuyền đưa đi. Các đoàn tình nguyện về cứu trợ cho người dân cũng phải nhờ bộ đội dùng thuyền đưa vào. Bà con cám ơn chính quyền địa phương, bộ đội và các nhà hảo tâm rất nhiều.
Thượng tá Lê Văn Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Xèng, cho biết, trước tình hình mưa bão, đơn vị đã chủ động các phương án ứng phó kịp thời. Khi lũ lụt, Đồn chủ động đưa mì tôm, lương thực xuống từng gia đình, đảm bảo thuyền cho bà con đi lại. Sau khi nước rút, do bị ngập nhiều ngày nên hầu hết các hộ dân đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch và ô nhiễm môi trường.
Vì vậy, Đồn đã huy động cán bộ chiến sĩ xuống với bản, địa phương để tổng vệ sinh, nạo vét cầu cống, khơi thông cống rãnh, phun thuốc tiêu độc khử trùng, tuyên truyền người dân ăn chín uống sôi, đảm bảo không để dịch bệnh xảy ra.
Theo ông Đinh Thanh Văn, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa, với phương châm “không để ai phải tụt lại về phía sau” những năm qua chính quyền địa phương đã nỗ lực cùng lực lượng biên phòng thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế mà trọng tâm là trồng rừng và chăn nuôi để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Tiêu biểu là dự án ruộng lúa Rục Làn tại bản Mò O Ồ Ồ do Bộ đội Biên phòng triển khai, giúp đồng bào đảm bảo một phần lương thực và có kỹ năng trồng, chăm sóc lúa nước. Riêng bản Ón và bản Yên Hợp do chưa được triển khai dự án này nên đời sống bà con vẫn còn khó khăn. Người dân ở đây vẫn còn tư tưởng ỷ lại, chưa có ý thức dự trữ.
Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con phát triển sản xuất theo lối phải tự chủ, mục tiêu hướng tới là người dân không còn phải phụ thuộc vào hỗ trợ của Nhà nước.