Nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc và chặng đường thách thức

Nhiệm kỳ của tổng thống đắc cử Hàn Quốc Park Geun Hye chính thức bắt đầu từ hôm nay (25/2) với lễ tuyên thệ nhậm chức theo dự kiến diễn ra tại Quốc hội vào 11 giờ cùng ngày.


 

Bà Park Geun Hye sau khi giành thắng lợi bầu cử hôm 19/12/2012.

 

Cử tri Hàn Quốc chắc hẳn không thể quên cam kết “trở thành một Tổng thống vì cuộc sống của nhân dân, một Tổng thống luôn giữ lời hứa và một Tổng thống xây dựng thống nhất toàn dân” của nữ chính trị gia đầu tiên đứng trên đỉnh cao quyền lực ở “Xứ sở Kim chi”. Cử tri hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng. Bởi để có được vinh quang của ngày hôm nay, bà Park Geun Hye đã phải chiến thắng hoàn cảnh và vượt qua chính mình.


Sinh ra trong gia đình thế gia vọng tộc, cha làm Tổng thống trong thời gian dài (1961-1979), năm 22 tuổi, bà Park Geun Hye đã phải đóng vai trò Đệ nhất Phu nhân bên cạnh cha sau cái chết của mẹ trong một vụ ám sát vào năm 1974. Năm năm sau, thảm kịch lại ập xuống gia đình khi cha bà, ông Park Chung Hee, bị thuộc cấp bắn chết.


Năm 1997, khi đã 45 tuổi, bà Park Geun Hye mới quyết định quay trở lại chính trường với tư cách đảng viên Đảng Đại dân tộc (GNP), lần lượt được bầu làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch chính đảng này và trúng cử Nghị sĩ Quốc hội 5 lần liên tiếp. Năm 2006, bà tham gia tranh cử ứng cử viên Tổng thống của GNP nhưng thất bại trước ông Lee Myung Pak, người vừa kết thúc nhiệm kỳ tổng thống.


Năm 2011, Đảng Đại dân tộc rơi vào khủng hoảng, buộc phải tái cấu trúc và đổi tên thành Đảng Thế giới mới. Năm 2012, một lần nữa, bà Park Geun Hye tham gia tranh cử tổng thống và lịch sử đã không lặp lại. Giành chiến thắng trước ứng cử viên đối lập Moon Jae In thuộc Đảng Dân chủ Thống nhất với khoảng cách không thể đảo ngược, bà Park Geun Hye đã trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc.


Cam kết tận hiến cho hạnh phúc của nhân dân, lập thân vì đất nước của nữ lãnh đạo chưa từng kết hôn này được cử tri Hàn Quốc đánh giá cao. Tuy nhiên, lịch sử cũng gần như lập tức đặt bà Park Geun Hye trước những thách thức chưa từng có.


Trong quan hệ với Bình Nhưỡng, bà Park Geun Hye đưa ra khái niệm “tin tưởng chính trị”, đối lập với đường lối cứng rắn của người tiền nhiệm Lee Myung Pak. Năm 2002, bà đến thăm Bình Nhưỡng và gặp nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên khi đó là ông Kim Jong Il. Nhưng cuộc thử nghiệm hạt nhân của CHDCND Triều Tiên vào giữa tháng 1/2013 khiến nước này bị chỉ trích rộng rãi trên thế giới, làm cho nỗ lực nối lại quan hệ hữu nghị với Bình Nhưỡng của bà Park Geun Hye trở nên khó khăn hơn. Chủ trương bao dung với Bình Nhưỡng của bà Park Geun Hye cũng đứng trước thách thức không nhỏ. Cử tri bờ Nam có cho phép nhà lãnh đạo của họ mềm yếu và thỏa hiệp trước sự “lấn tới” của bờ Bắc hay không? Câu trả lời dường như là rất khó.


Về đối nội, bà Park Geun Hye nhấn mạnh các doanh nghiệp lớn nên tham gia vào cạnh tranh toàn cầu, chứ không phải tranh giành địa bàn với các cửa hàng buôn bán nhỏ nhằm bảo vệ quyền kinh doanh của các cửa hàng bách hóa truyền thống. Nhưng thực tế cho thấy nền kinh tế Hàn Quốc tập trung cao độ trong tay mấy chục doanh nghiệp lớn hàng đầu hay còn gọi là các “chaebol”. Doanh thu của 10 chaebol hàng đầu hiện chiếm hơn 40% doanh thu của ngành chế tạo nước này, còn cổ phiếu của họ có giá trị lớn hơn 50% tổng giá trị thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Điều đáng nói là các chaebol còn vươn vòi bạch tuộc phát triển các công ty con, chèn ép không gian sinh tồn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì thế, có cơ quan truyền thông của Hàn Quốc từng nói rằng sự chèn ép của các chaebol đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là sự “bất công bằng lớn nhất” trong xã hội Hàn Quốc.


Khi tranh cử, bà Park Geun Hye đã giương cao ngọn cờ “dân chủ hóa kinh tế”, chủ trương giảm bớt thế lực của chaebol, nhằm hóa giải sự lưỡng cực hóa trong xã hội. Liệu các chaebol có chịu “chặt chớt chân tay” của mình hay không? Đây là một khó khăn lớn khác đối với tân Tổng thống Hàn Quốc.


Hà Ngọc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN