Nới chính sách cho thị trường bất động sản

Tại hội thảo “Pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản” do Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, nhiều nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) cho rằng, cần có những giải pháp hoàn thiện chính sách để góp phần đưa thị trường BĐS phát triển một cách lành mạnh và ổn định.


Mở rộng điều kiện cho người nước ngoài


Tờ trình của Bộ Xây dựng về Dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) gửi Chính phủ cho thấy: Luật đã cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài kinh doanh BĐS nhưng cũng mới chỉ dưới 2 hình thức: đầu tư tạo lập nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; đầu tư cải tạo đất và các công trình hạ tầng trên đất để cho thuê, đất đã có hạ tầng mà chưa cho phép mua bán và thuê BĐS để cho thuê lại. Hạn chế đó đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và ảnh hưởng rất nhiều việc thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài vào BĐS.


Sắp tới, các chủ đầu tư sẽ được nới nhiều điều kiện khi chuyển nhượng dự án BĐS.


Theo Thạc sỹ Viên Thế Giang (Đại học Huế), lĩnh vực kinh doanh BĐS được thị trường hóa một cách dè dặt và trong quá trình làm luật, Việt Nam đã đi những bước đi thận trọng, nặng về quản lý giám sát hơn là mở rộng tự do kinh doanh theo quy luật của kinh tế thị trường. Vì thế, Việt Nam nên mở rộng đối tượng kinh doanh BĐS, bảo đảm quyền bình đẳng trong kinh doanh BĐS của nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy sẽ giải quyết bài toán "khát" vốn cho thị trường, giảm gánh nặng “cứu trợ” của Chính phủ, tăng sức cạnh tranh và chuyên nghiệp cho thị trường BĐS cũng như lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực.


Thạc sỹ Nguyễn Xuân Quang và Thạc sỹ Huỳnh Minh Phương (Đại học Luật TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự “đóng băng” của thị trường BĐS có sự hạn chế về sức mua của các nhà đầu tư trong nước do nguồn lực tài chính có hạn. Trong khi đó, các tổ chức, cá nhân nước ngoài có khả năng tài chính mạnh hơn lại bị hạn chế về quyền này. Từ năm 2008, Việt Nam đã thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhưng sau gần 5 năm triển khai cũng chỉ mới có 126 trường hợp. Vì vậy, Việt Nam nên cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu căn hộ, nhà riêng lẻ ở những nơi không bị cấm hoặc hạn chế ở nhằm tạo điều kiện cho họ thuận lợi và an tâm đến Việt Nam đầu tư, làm ăn và sinh hoạt.


Trong khi đó, theo Tiến sĩ Đặng Anh Quân (Đại học Luật TP Hồ Chí Minh), Luật Đất đai 2013 và Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS đã có một số điều chỉnh, tạo sự thông thoáng hơn cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc sử dụng đất để đầu tư, kinh doanh nhưng các điều chỉnh đó vẫn còn khá dè dặt, chưa phá vỡ được khoảng cách bất bình đẳng giữa các chủ thể trong nước và ngoài nước. Việc hạn chế tổ chức, cá nhân nước ngoài xác lập quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư cũng như việc hạn chế phạm vi kinh doanh BĐS của họ là không cần thiết, làm giảm sức hút đầu tư vào Việt Nam. Thay vào đó, Nhà nước cần có những giải pháp quản lý, kiểm soát, đảm bảo mỗi dự án đã được phê duyệt đều được triển khai nhanh chóng, hoàn thành đúng tiến độ.


Nới điều kiện chuyển nhượng dự án BĐS


Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, nên coi việc chuyển nhượng BĐS là hoạt động kinh doanh bình thường. Ở nước ngoài, bất cứ giai đoạn đầu tư BĐS nào cũng được chuyển nhượng miễn là có đăng ký và chịu thuế. Có những doanh nghiệp chỉ giải phóng mặt bằng xong là chuyển nhượng dự án, hoặc có những doanh nghiệp chuyên kinh doanh biệt thự, nhà hàng… Trong khi đó ở Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh BĐS chủ yếu quy mô nhỏ nhưng lại phải thực hiện dự án từ khâu mặt bằng đến khi căn hộ hoàn chỉnh.


“Việt Nam nên cho nhà đầu tư được chuyển nhượng ở từng giai đoạn của dự án, có như vậy mới tạo sức sống cho thị trường đồng thời tăng thêm ngân sách nhà nước. Vấn đề là phải minh bạch thông tin và minh bạch thủ tục”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.


Đồng quan điểm trên, Thạc sỹ Nguyễn Thị Kiều Oanh (Đại học Luật TP Hồ Chí Minh) bày tỏ, trong thời điểm “trầm lắng” hiện nay, việc huy động vốn khó khăn thì chuyển nhượng dự án BĐS được xem là giải pháp tối ưu của các nhà đầu tư. Thời gian gần đây, chuyển nhượng dự án BĐS trở nên quen thuộc và mang lại yếu tố tích cực như sàng lọc nhà đầu tư yếu kém, giữ lại những nhà đầu tư có năng lực nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện để các nhà đầu tư kiếm lời, chuyển nhượng thiếu rõ ràng, không minh bạch, ảnh hưởng đến thị trường BĐS và nền kinh tế. Việc pháp luật quy định lý do chuyển nhượng dự án BĐS (do khó khăn tài chính, năng lực) đã cản trở việc thực hiện quyền định đoạt của nhà đầu tư đối với dự án và không có ý nghĩa thực tiễn trong việc đảm bảo tính khả thi của dự án được chuyển nhượng.


Theo bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Luật Kinh doanh BĐS hiện quy định quá chặt chẽ về điều kiện chuyển nhượng dự án như: phải hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, phải có công trình hạ tầng kĩ thuật tương ứng với nội dung, tiến độ dự án đã được phê duyệt nhằm hạn chế tình trạng dự án chỉ nằm trên giấy hoặc nhà đầu tư lợi dụng chuyển nhượng dự án một cách tràn lan để kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, vì lý do khả năng tài chính nên nhiều nhà đầu tư đã không đáp ứng được điều kiện này và phải tìm cách “lách”. Việc chuyển nhượng dự án đầu tư BĐS chủ yếu được thực hiện dưới dạng chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp khi dự án đầu tư chưa đáp ứng được điều kiện chuyển nhượng dự án.


Việc “lách luật” này sẽ khiến Nhà nước thất thu một khoản thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Do vậy, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi phải có chế tài nghiêm khắc ràng buộc trách nhiệm nhà đầu tư đối với khách hàng khi tiếp nhận dự án chuyển nhượng và phải ký quỹ cam kết tiếp tục triển khai dự án theo đúng tiến độ và nội dung đã được phê duyệt.


Trần Xuân Tình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN