Những đứa trẻ vượt lũ đến trường

Mỗi ngày có đến 58 đứa trẻ Việt kiều Campuchia vượt lũ để đến bốn điểm trường của trường tiểu học Thường Thới Hậu A, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Điều mà chúng tôi nhận ra ở các em đó chính là tình yêu quê hương được hình thành qua những con chữ.

Con heo đất


Chúng tôi có mặt tại cụm tuyến dân cư vượt lũ Giồng Duối, nơi đây có 11 trong số 58 em học sinh Việt kiều hằng ngày vượt sông, băng qua biên giới để trở về quê nhà tìm con chữ.

 

Thầy giáo Lê Văn Thiện và em học trò Việt kiều Đào Văn Nhớ.


Gần 10 giờ sáng, lớp học 2C của thầy giáo Lê Văn Thiện có hơn 20 em học sinh, trong đó có duy nhất 1 em là học sinh Việt kiều đang cất tiếng “ê, a” theo từng nhịp gõ thước của thầy trên tấm bảng. Hơn 20 năm qua, thầy giáo Thiện đã gắn bó với trường Tiểu học Thường Thới Hậu A, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Kể từ khi cụm tuyến dân cư vượt lũ Giồng Duối hình thành, thầy Thiện đã đến với những đứa trẻ ở ấp biên giới còn nhiều khó khăn này.


Cậu học trò Đào Văn Nhớ, 8 tuổi, có đôi mắt đen láy, làn da ngăm và là một trong số học sinh Việt kiều chăm chỉ đến lớp mỗi ngày. Cậu bé Nhớ cho biết, vì bên đất bạn không có trường dạy tiếng Việt nên hằng ngày cậu bé Nhớ phải thức dậy từ 5 giờ sáng để đi học. “Vào mùa khô, con băng qua mấy cánh đồng hơn cây số để tới bờ sông rồi sau đó đi đò để đến trường. Còn vào mùa lũ thì được ba, mẹ đưa đi học. Chỉ bữa nào mưa gió quá thì con phải nghỉ học ở nhà”, cậu bé Nhớ cho biết.


Theo các thầy, cô giáo tại điểm trường Giồng Duối, cha mẹ các em qua nước bạn thuê đất làm ruộng, đánh cá hoặc đi làm thuê, làm mướn. Do vậy, cuộc sống của họ rất khó khăn, thay đổi chỗ ở liên tục, những lúc thất mùa lúa, mùa cá, phải bỏ đi nơi khác nên có nhiều em phải bỏ học giữa chừng để theo gia đình mưu sinh. Đặc biệt, vào mùa nước lũ về, khi bên kia biên giới mênh mông nước, những con đò nhỏ không đủ sức đưa các em qua sông. Đó cũng là nguyên nhân khiến rất nhiều em không thể tới trường. Thầy Thiện buồn kể: “Những năm về trước, các em học sinh Việt kiều về Việt Nam học ít lắm. Tôi biết còn hàng trăm em ở độ tuổi đi học đang sinh sống bên nước bạn nhưng vì điều kiện gia đình quá khó khăn nên không thể đến trường. Nay các em cũng đi học được nhiều hơn nhưng để đảm bảo không bỏ học là điều rất khó.


Chỉ tay về con heo đất được đặt ở góc nhỏ trong lớp học, thầy Thiện cho biết, ở mỗi lớp học đều có con heo đất. Đây là số tiền nhỏ tích góp từ các bạn học sinh ở quê nhà để giúp đỡ cho các em sống bên nước bạn và giúp cho các em thuộc hộ nghèo của xã. “Hiện những em ở bên đây được hỗ trợ 70.000 đồng/tháng theo chương trình 135 của Chính phủ về hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Nhưng các em Việt kiều lại không nằm trong diện đó. Hi vọng việc làm nhỏ này sẽ phần nào động viên tinh thần, giúp các em không phải bỏ học nửa chừng”, thầy Thiện nói.


Ước mơ tuổi thơ


Giờ tan trường, trên con đường bê tông nông thôn của cụm dân cư vượt lũ Giồng Duối, em Nguyễn Văn Lộc, 13 tuổi, đang ngồi chờ mẹ của mình là chị Nguyễn Thị Diện, 35 tuổi băng qua con sông Thường Phước Ba Nguyên từ bên nước bạn. Tuy đã bước vào tuổi 13, nhưng dáng người cậu bé Lộc nhỏ nhắn như đứa trẻ lên 8 tuổi và hiện nay em chỉ là học sinh lớp 3C của cô giáo Nguyễn Hồng Loan. Nhắc đến cuộc sống ở bên kia sông, cậu bé kể: “Nhà con ở bên đó nghèo lắm, ba mẹ con đi làm mướn nên bây giờ con mới được đi học. Con chỉ mong học thật giỏi và lớn lên con sẽ đi làm để nuôi ba mẹ”.

 

Lớp học 2C của thầy Thiện tại ấp biên giới, khu dân cư vượt lũ Giồng Duối.


Cậu bé nhìn bằng đôi mắt to tròn và khoe với chúng tôi, buổi học hôm nay cô giáo Loan cho lớp học môn đạo đức qua câu chuyện “Các cháu vào đây với Bác”, một câu chuyện nói về tình yêu của Bác Hồ đối với thiếu nhi và rồi cô lại kể cho các bạn rất nhiều câu chuyện khác về Bác. “Cô kể ở Sài Gòn có Bến Nhà Rồng là nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Con muốn được đi đến đó. Chắc là đẹp lắm phải không chú?”, cậu bé hồn nhiên nói.
Nghe cậu bé Lộc nói, cả đám 3, 4 đứa trẻ đứng gần bên tranh nhau bàn tán về những điều mà cô giáo Loan dạy cho chúng trong giờ học. Trong đôi mắt và tiếng cười hồn nhiên của những đứa trẻ đầy ắp sự mường tượng đầy màu sắc tươi đẹp về hình ảnh quê hương mà chúng được biết qua từng con chữ.


Chia tay cậu bé Lộc và những em nhỏ đang được các phụ huynh đưa qua biên giới bằng những chiếc ghe nhỏ, hình bóng của các em ngày càng nhỏ dần trên dòng nước cuồn cuộn trong mùa lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông.


Bài và ảnh: Anh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN