Ở miền xuôi, nhất là ở các thành phố lớn, ra đường là gặp cửa hàng xăng dầu. Nhưng lên vùng cao, nhất là những địa bàn khó khăn mới thấy, có khi cả một huyện rộng hàng chục cây số vuông mà chỉ có một vài cây xăng, người dân ở những thôn bản xa xôi có khi phải đi xa tới hàng chục km để mua xăng dầu.
Ở những vùng khó khăn ấy, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cũng không “tụ tập” nhiều như ở các thành phố, đô thị lớn, mà hầu như chỉ thấy mỗi sự hiện diện của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Dù đưa xăng dầu lên vùng cao là cầm chắc lỗ, nhưng hàng năm, Petrolimex vẫn phải vượt khó để đưa xăng dầu đến với bà con.
Nhường trụ sở làm cửa hàng xăng dầu
Tại Si Ma Cai, huyện vùng cao xa xôi nhất của tỉnh Lào Cai, bên cạnh gia tài là những đàn trâu to khỏe, nhiều gia đình đồng bào người dân tộc thiểu số đã sắm sửa được cả xe máy, tivi. Gia đình anh Giàng Seo Phừ (ở cách trung tâm huyện 2 km) thậm chí đã sắm được 2 chiếc xe máy. Anh Phừ bảo: “Bây giờ, đi chăn trâu, đi làm nương rẫy cũng dùng xe máy cho tiện”. Tuy nhiên, với anh Phừ cũng như nhiều người dân khác ở vùng đất xa xôi này, cách đây 2 năm, “có xe máy không khó bằng việc có xăng để chạy xe”.
Đồng bào dân tộc mua xăng dầu tại cửa hàng Petrolimex Si Ma Cai. |
Cách đây hai năm, khi Petrolimex chưa mở điểm bán xăng dầu ở địa bàn Si Ma Cai, việc cung cấp xăng dầu cho cả huyện, theo ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai “trông cả vào mấy cây xăng tư nhân, mà lại bán hàng rất phập phù, hôm bán, hôm nghỉ. Những khi các cây xăng tư nhân nghỉ bán, người dân ở Si Ma Cai phải mang chai, can đi bộ gần 30 km đường đèo núi xuống huyện Bắc Hà (tiếp giáp với Si Ma Cai) để mua xăng. Nếu không đi xa được thì đồng bào đành phải mua xăng của tư thương bán chai ở dọc đường với giá đắt gấp đôi giá quy định của Nhà nước”. Anh Giàng Seo Hòa và anh Vàng Seo Chá, ở bản Mé, cách trung tâm huyện lỵ Si Ma Cai 3 km, khi được hỏi đều cho biết: Những năm từ 2010 trở về trước, tức là trước khi có cây xăng của Petrolimex, mỗi khi cây xăng tư nhân nghỉ bán, chúng tôi phải mua xăng của tư thương bán dọc đường với giá 20.000 đồng nhưng chỉ được chưa đầy chai 65 ml”.
Nhưng ông chủ tịch của một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Lào Cai lo ngại hơn cả việc giá bán xăng đắt hay rẻ là chuyện an toàn cho người dân bởi “việc mua xăng dầu gặp nhiều khó khăn buộc người dân phải tích trữ xăng dầu trong nhà, nhiều trường hợp đã gây hỏa hoạn. Đây là mối lo rất lớn của địa phương”.
Còn bây giờ, từ khi có cây xăng của Petrolimex lên vùng đất khó khăn và xa xôi này, anh Giàng Seo Hòa và anh Vàng Seo Chá nhận xét: “Mua ở cửa hàng xăng dầu của Nhà nước cũng ngần ấy tiền mà xăng nhiều hơn, xe máy đi được lâu hơn. Cửa hàng xăng dầu lại mở cửa từ sáng sớm tới tối khuya nên dân bản yên tâm lắm. Từ khi xăng dầu Nhà nước về phục vụ, người dân ở các thôn bản không phải lo tích trữ xăng dầu trong nhà nữa”.
Điểm bán xăng dầu của Petrolimex ở Si Ma Cai tuy không quá tấp nập ô tô, xe máy nhưng lại khang trang, to đẹp hơn nhiều cây xăng ở miền xuôi, lại nằm ở giữa trung tâm của huyện. Anh Nguyễn Văn Giang, cửa hàng trưởng của Petrolimex Lào Cai ở Si Ma Cai còn làm chúng tôi ngạc nhiên hơn khi cho biết: “Ngay khi biết Petrolimex có ý định lên Si Ma Cai, huyện đã nhường lại phần đất từng là trụ sở làm việc của huyện để Petrolimex làm cửa hàng xăng dầu”. Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Phúc cho biết thêm, sau khi tái lập huyện Si Ma Cai, lãnh đạo huyện đã đặt vấn đề với Công ty Xăng dầu Lào Cai, Sở Công Thương Lào Cai về việc mở điểm bán xăng dầu tại địa bàn để ổn định nhu cầu tiêu dùng của bà con. Vì thế năm 2009, khi Công ty xăng dầu Lào Cai quyết định xây dựng cửa hàng xăng dầu tại đây, huyện đã nhường khu đất có vị trí đẹp nhất, từng là trung tâm bồi dưỡng chính trị để lấy đất xây dựng điểm bán xăng dầu. “Cửa hàng xăng dầu hoạt động rất tốt, không có chuyện đóng cửa không có lý do như của tư nhân trước đây; giá cả, đo lường đảm bảo; thái độ người bán hàng phục vụ bà con cũng tốt hơn. Trước kia, bà con kêu rất nhiều về việc đo lường của các điểm bán xăng dầu tư nhân, nhưng đến nay thì không còn chuyện đó. Từ ngày đi vào hoạt động, điểm bán xăng dầu của Petrolimex đã đáp ứng rất tốt nhu cầu xăng dầu cho bà con vùng cao”, ông Phúc nhận xét.
Phải bù lỗ vẫn đưa xăng dầu lên vùng cao
Chặng đường từ huyện Bắc Hà lên huyện Si Ma Cai (Lào Cai) chỉ có 30 km nhưng chiếc Toyota 7 chỗ chở chúng tôi phải “bò” mất 2 giờ. Còn theo lãnh đạo của Công ty Xăng dầu Lào Cai, xe bồn chở xăng dầu, nếu trời tạnh ráo cũng phải chạy mất một ngày. Những ngày mưa, đường sá lầy lội thì việc vận chuyển càng khó khăn hơn...
Si Ma Cai là huyện có địa hình cao và đi lại khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai, đỉnh cao nhất tới 1.600 mét. Đường lên Si Ma Cai toàn là đường đèo chênh vênh uốn theo những ngọn núi cao, dưới là vực sâu thăm thẳm, ô tô phải chạy trong mây mù dày đặc, sơ sảy là xe có thể lăn xuống vực. Chẳng thế mà đầu tháng 12/2011, một xe bồn của Công ty Vận tài Xăng dầu chi nhánh Lào Cai đã bị lăn xuống vực, đoạn đèo giữa Lào Cai và Lai Châu.
Si Ma Cai chỉ là một trong nhiều huyện vùng cao mà Petrolimex Lào Cai phải cung ứng xăng dầu. Những huyện xa như Sìn Hồ, Mường Tè (Lai Châu), cách trung tâm Lào Cai tới 320 km, đường đi còn bất trắc, nguy hiểm hơn. Nhưng tới nay, cửa hàng xăng dầu Petrolimex Lào Cai đã có mặt trên khắp tất cả các huyện ở Lào Cai và Lai Châu góp phần phục vụ nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế xã hội tại những huyện nghèo. Mới đây, Petrolimex Lào Cai cũng đầu tư xây dựng thêm một cửa hàng xăng dầu Long Phúc, huyện Bảo Yên. Bởi vì, trước khi cửa hàng đi vào hoạt động, người dân địa phương phải mua xăng dầu của tư thương với mức giá cao hơn giá bán do Nhà nước quy định khoảng 5.000 đồng/lít.
Giải thích lý do vì sao các đầu mối kinh doanh xăng dầu không mặn mà đầu tư cửa hàng ở vùng cao, ông Dương Tuấn Dũng, Giám đốc Petrolimex Lào Cai cho biết: Đầu tư cửa hàng xăng dầu ở vùng cao, vùng sâu cầm chắc là lỗ vì chi phí cao hơn, gấp 2 - 3 lần vùng đồng bằng. Riêng năm 2011, chi phí vận chuyển cho huyện Mường Tè (Lai Châu), địa điểm xa nhất mà công ty cung ứng là 1.146 đồng/lít, còn Si Ma Cai cũng gần 1.000 đồng/lít… Các khoản chi phí đầu tư lớn hơn, sản lượng bán chậm làm tăng hao hụt, nhiệt độ ở vùng cao lạnh hơn vùng đồng bằng làm cho xăng dầu co lại cũng làm tăng hao hụt… Tuy nhiên, là doanh nghiệp chủ đạo trên thị trường tại tỉnh Lào Cai nên công ty có trách nhiệm đảm bảo nguồn xăng dầu, đáp ứng nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội, bình ổn thị trường ở những vùng này. Có những thời điểm khó khăn về nguồn cung, các cửa hàng xăng dầu của các đầu mối khác đóng cửa thì duy nhất chỉ còn cửa hàng của Petrolimex Lào Cai phải cung ứng 100% nhu cầu cho các huyện miền núi.
Con đường đưa xăng dầu lên Si Ma Cai tuy rất hiểm trở khó khăn nhưng chưa hãi hùng bằng tuyến đường đèo dài 300 km lên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), toàn dốc cao và hẹp, vực sâu thẳng đứng, bên dưới toàn đá tai mèo lởm chởm. Xe bồn chở xăng dầu từ thị xã Hà Giang lên huyện Mèo Vạc, huyện Đồng Văn phải mất 2 ngày đường. Rồi đường lên Điện Biên, Cao Bằng, là những con đường khổ ải vì liên tục có những khúc “cua” tay áo và nhiều đoạn đường liên tục sạt lở... Giao thông khó khăn là vậy nhưng Petrolimex vẫn đặt nhiệm vụ chính trị, đảm bảo nhu cầu xăng dầu cho các tỉnh vùng cao, vùng sâu lên hàng đầu. Hiện nay, mạng lưới cửa hàng xăng dầu của Petrolimex đã phủ kín khắp các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và những vùng khó khăn.
Ông Vương Thái Dũng- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết: “Riêng năm 2011, sản lượng bán cho thị trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chiếm 15,5% tổng sản lượng của Petrolimex. Ước cả năm nay, tổng kinh phí hỗ trợ nguồn lực của Petrolimex (bù cước vận tải) cho 9 công ty vùng sâu, vùng xa là khoảng 73 tỷ đồng. Petrolimex đã nỗ lực để người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa cũng được mua xăng dầu với chất lượng, giá cả đúng như tại thành phố. Ngay cả những khi nguồn hàng gặp khó khăn, các doanh nghiệp khác phải rời bỏ địa bàn khó khăn thì Petrolimex vẫn quyết tâm bám trụ để phục vụ bà con”.
Thực tế khảo sát của chúng tôi ở Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Cao Bằng hay các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng... cho thấy, nếu ở trung tâm tỉnh lỵ điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn thì còn thấy lác đác sự hiện diện của các doanh nghiệp đầu mối như Petex hay Xăng dầu Quân đội... nhưng càng lên vùng cao, vùng khó khăn thì càng vắng bóng các doanh nghiệp này, duy nhất chỉ còn những cửa hàng xăng dầu của Petrolimex “phủ sóng”. Lý do chính khiến các DN khác không đưa xăng dầu lên vùng cao bởi chi phí thì lớn mà lượng bán thì thấp nên cầm chắc lỗ. Nhưng, Petrolimex vẫn vượt khó đưa xăng dầu lên vùng cao bởi theo ông Vương Thái Dũng, “Petrolimex không chỉ thực hiện nhiệm vụ kinh doanh thuần túy mà còn rất có ý thức trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của một doanh nghiệp nhà nước là đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho bà con vùng cao”.
Bài và ảnh: Thu Hường