Nhân kỷ niệm 35 năm chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot, đồng chí Đỗ Phượng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) (ảnh), đã kể lại việc TTXVN giúp thành lập hãng thông tấn của Mặt trận Dân tộc cứu nước Campuchia, lấy tên Khmer viết tắt là SPK (nay đổi lại thành AKP).
Có lẽ ít người biết, TTXVN cuối năm 70 đã chấp thuận đề nghị của Quốc vương Sihanouk, thành lập tại Hà Nội một hãng thông tấn đặt tên là AKP (Agence Khmer Presse) để tuyên truyền chống lại chính quyền quân sự Lon nol. Hãng AKP do anh Năm Đường (quen gọi biệt danh tiếng Việt) nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia làm giám đốc, cùng khoảng trên 40 cán bộ và học sinh Campuchia tập kết ra bản tin bằng tiếng Pháp, in và phát sóng hàng ngày tại Hà Nội. Rất tiếc giữa năm 75, theo yêu cầu của Yengsary, anh Năm Đường và 50 cán bộ (hầu hết là thanh niên trẻ tuổi) trở về Campuchia và đã bị Pol Pot tiêu diệt trên sông Tonle Sap.
Nhân kỷ niệm 35 năm chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot, đồng chí Đỗ Phượng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, đã kể lại việc TTXVN giúp thành lập hãng thông tấn của Mặt trận Dân tộc cứu nước Campuchia, lấy tên Khmer viết tắt là SPK (nay đổi lại thành AKP). Phía bạn đã cử đồng chí Chay Saphon tập kết và học tập ở miền Bắc làm Tổng Giám đốc SPK cùng một vài thanh niên có học đang ở các trại tị nạn Campuchia ở Việt Nam làm nòng cốt cho Thông tấn xã của bạn. Phía ta, hai đồng chí Đỗ Phượng và Trần Thanh Xuân trực tiếp chỉ đạo.
Đào tạo để chuyển giao
Cho đến tận bây giờ, sau hơn 30 năm, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN Đỗ Phượng vẫn nhớ rất rõ những năm 1977 - 1978 khi Pol Pot công khai cho quân tiến đánh và tàn sát đồng bào ta ở biên giới Tây Nam mà lực lượng vũ trang của ta chỉ được lệnh ngăn chặn địch, bảo vệ dân mà không được tiêu diệt quân địch (mà lúc đó được ta coi là bạn xấu). Sau khi thông qua các nước và các tổ chức quốc tế thương lượng hòa bình không thành, quân Pol Pot tiến đánh đồng loạt, thậm chí đạn pháo tầm xa đã có thể bắn tới Sài Gòn.
Cuối năm 1978, Chính phủ Việt Nam chính thức quyết định giúp Mặt trận dân tộc cứu nước và các lực lượng vũ trang Campuchia xóa bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot. Theo chỉ đạo chung, TTXVN cũng chuyển phòng K ở Hà Nội vào thành bộ phận giúp bạn thành lập hãng thông tấn của bạn.
Phòng K do anh Trần Hữu Năng, Trưởng ban Tin trong nước cùng bạn tổ chức hãng thông tấn Campuchia và bố trí lực lượng phóng viên theo các mũi tiến quân.
Ngày 7/1/1979, anh Trần Thanh Xuân (khi đó là Phó Tổng Giám đốc TTXVN) cùng anh Trần Hữu Năng và một số đồng chí sang Phnompenh. Ít ngày sau, từ Hà Nội, chúng tôi chuẩn bị một lực lượng theo cơ cấu tổ chức của một hãng thông tấn cùng toàn bộ thiết bị kỹ thuật tương đương một hãng thông tấn như các nước XHCN Đông Âu. Đội ngũ cán bộ TTXVN sang Campuchia có đủ cả các thành phần và một cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh, có chi bộ Đảng, đoàn thanh niên, công đoàn... Không chỉ mang theo các trang thiết bị, nhân lực, mà ngay cả lương thực, thực phẩm như gạo, rau quả... chúng ta đều mang từ Việt Nam mang sang sử dụng.
Với quan điểm là chúng ta giúp bạn thành lập hãng thông tấn, chứ không thể làm thay bạn mãi, nên ngay khi sang Campuchia được 2 - 3 ngày, chúng tôi nghĩ ngay đến việc tìm kiếm người có khả năng để đào tạo thay thế dần dần. Đi đến các trại tập trung ở Campuchia, rồi đến cả những trại tị nạn ở Việt Nam, tìm kiếm những người có trình độ từ trung học trở lên, đưa về đào tạo làm thế hệ kế cận để tiếp nhận công việc sau này. Suốt quá trình tìm kiếm, chúng tôi tìm được vài chục người đủ tiêu chuẩn, khi đưa về, trên người các bạn chỉ có duy nhất bộ quần áo bà ba đen đang mặc, thậm chí các chị còn không có cả đồ lót. Chúng tôi phải cử người về Sài Gòn, mua quần áo, mang sang cho bạn và mang cả máy khâu sang Campuchia để may vá tại chỗ.
Sau khi giúp các bạn ổn định chỗ ăn ở, làm quen dần với công việc, chúng tôi cùng với TTX TP Hồ Chí Minh tổ chức 2 lớp, một dạy tiếng Việt cho người Campuchia và một dạy tiếng Campuchia cho người Việt Nam. Mỗi lớp có khoảng 30 học sinh.
Thời gian đầu, cơ cấu của hãng thông tấn SPK cũng tương tự như của TTXVN. Cũng có bản tin đối nội, đối ngoại, có tin tham khảo, bản tin tiếng Anh, bản tin tiếng Pháp... Thời điểm đó, do bạn chưa có phân xã, nên đội ngũ phóng viên của TTXVN được phân công theo các đơn vị quân đội ở các khu vực, các tỉnh thành trên khắp đất nước Campuchia, thường xuyên đưa tin tức, chụp ảnh, điện báo gửi về. Những ngày đầu, các cán bộ của TTXVN gần như làm hết toàn bộ các công việc, từ viết tin, bài đến biên tập, chọn các thông tin, sự kiện để đưa vào các bản tin đối nội, đối ngoại... còn anh em người Campuchia phụ giúp và đảm nhiệm việc dịch những tin, bài đó từ tiếng Việt hoặc tiếng Pháp sang tiếng Campuchia.
Mặc dù mọi thông tin, sự kiện đều do cán bộ của TTXVN lựa chọn, song chúng ta cũng rất tôn trọng bạn, mỗi một thông tin, sự kiện trước khi xuất bản đều được anh em đọc lại cho bạn nghe qua,rồi trình Tổng Giám đốc Chay Saphon, nếu bạn không có ý kiến gì khác thì ta mới cho in, phát hành rộng rãi. TTXVN trong thời gian đầu có vai trò nổi bật ở Phnompenh, không chỉ giúp SPK, còn làm nhiệm vụ thông báo tình hình, bổ túc tiếng Việt, tiếng Pháp cho nhiều nhà lãnh đạo Campuchia. Cứ đều đặn như vậy trong suốt một thời gian dài, các cán bộ của TTXVN vừa làm, vừa từng bước hướng dẫn và chuyển giao các bạn làm dần.
Ý thức kỷ luật đáng tự hào
Để việc đào tạo có hiệu quả hơn, TTXVN đã nhờ trường Đại học Bách khoa Hà Nội mở một lớp đại học cho các thanh niên Campuchia ở SPK có năng khiếu sang học, có thi tốt nghiệp và cấp bằng chính quy. Thời điểm đó, TTXVN đã nuôi hàng trăm người Campuchia sang Việt Nam học tập, lo cho bạn từ bộ quần áo, đến lương thực, nơi ăn ở, cử cán bộ giúp các bạn học tập thuận lợi. Dần dần, cán bộ bạn tiếp nhận toàn bộ cơ sở kỹ thuật, cơ sở thông tin. Cần nói thêm là anh em Campuchia học tập chăm chỉ và tiếp nhận rất nhanh. Dần dần, khi bạn tiếp quản được các công việc, các chuyên gia Việt Nam mới rút dần về nước. Cho đến khoảng năm 1987 - 1988, chỉ còn khoảng hơn 20 chuyên gia Việt Nam còn ở lại Campuchia giúp bạn.
Năm 1988, khi ta chuẩn bị ký kết hiệp ước, nhận thấy tình hình có thể sẽ có những chuyển biến phức tạp, sẽ phát sinh nhiều chuyện bất ngờ, chúng tôi phải rút anh Nguyễn Quốc Uy, đang học ở Matxcơva trở về và đưa sang Campuchia đảm nhiệm chức vụ Trưởng phân xã Campuchia. Anh Trần Hữu Năng là cán bộ có năng lực, hăng hái, nhiệt tình, tính tình trung thực, nhưng hay nóng nảy, lại không thạo tiếng Khmer và tiếng Anh. Trong khi Nguyễn Quốc Uy khiêm nhường nhuần nhị, anh Uy lại biết tiếng Anh, tiếng Nga và thành thạo tiếng Khmer, nên phù hợp với tình hình lúc đó hơn, nhất là để ứng phó với tình thế mới nên lãnh đạo TTXVN quyết định đưa anh Uy sang đảm nhiệm chức vụ Trưởng đại diện của TTXVN tại Campuchia.
Điều mà nguyên Tổng Giám đốc TTXVN Đỗ Phượng thấy tự hào là “Trong suốt thời gian làm nhiệm vụ giúp bạn, các anh em cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN có ý thức tổ chức kỷ luật, đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo hệ thống thông tin thông suốt và may mắn nhất là không có ai bị hy sinh trong thời gian đó. Trong chiến đấu gian khổ, có thể đó là thành công nhất” - ông Đỗ Phượng khẳng định.
Phương Lan (ghi)
(theo lời kể của nguyên Tổng Giám đốc TTXVN Đỗ Phượng)