Nhiều rào cản với lao động phổ thông - Bài 1: Lao động giá rẻ - lương thấp

Khi thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam hay giới thiệu là một nước có tiềm năng về nguồn nhân lực giá rẻ. Tuy nhiên, thực tế nguồn nhân lực giá rẻ với chi phí thấp lại đang là “rào cản” cho sự phát triển.


Bài 1: Lao động giá rẻ - lương thấp


Nguồn lao động giá rẻ là lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài những thập niên trước. Tuy nhiên, giờ đây mọi việc đã khác.


Chất lượng tay nghề thấp


Công việc của Hoàng Thị Yến tại một công ty điện tử của Nhật Bản thuộc khu công nghiệp Bắc Thăng Long, là lắp ráp một số linh kiện điện tử đơn giản, một công việc không cần tay nghề cao. “Công ty chỉ tuyển người học xong lớp 12, đào tạo nghề khoảng 1 tháng rồi bố trí công việc. Công việc cũng đơn giản và đơn điệu nên lương chỉ trả tầm 3 triệu đồng, nếu tăng ca thêm khoảng 1 triệu đồng. Với thu nhập như vậy chỉ đủ trang trải cuộc sống và ít có tích lũy”, Yến chia sẻ.

 

May áo jacket xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.Trần Việt – TTXVN


Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (L ĐTBXH) Hà Nội cho biết: Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp chủ yếu tuyển lao động phổ thông, nhất là lao động tỉnh ngoài có chi phí thấp. Theo khảo sát thì lao động tỉnh ngoài chiếm 70 - 80% lao động trong các khu công nghiệp.


Chị Trần Thị Hồng (quê Thanh Hóa) đang là công nhân Công ty TNHH Freetrend (Khu chế xuất Linh Trung 1, Thủ Đức) cho biết: “Học hết cấp 2, trong tay không có chứng chỉ học nghề, nhưng rất may tôi cũng được công ty nhận vào làm. Sau 4 năm làm việc, đến nay tôi cũng đã khá thành thạo công việc nhưng làm cật lực, tính cả tăng ca một tháng cũng chỉ có 4 - 5 triệu đồng, vẫn không đủ chi tiêu hàng ngày. Vì vậy, muốn nâng cao thu nhập, tôi cần phải đi học thêm để có thể thay đổi công việc. Ngoài ra, thiết bị làm việc ngày càng hiện đại, muốn vận hành được tôi còn phải trang bị thêm nhiều kiến thức, chứ không chỉ trông vào kinh nghiệm. Có như vậy, mới không lo thất nghiệp và còn cải thiện được cuộc sống hiện nay”.


Tiến sĩ Phạm Bích San, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, chỉ ra thực tế về khả năng làm việc của lao động Việt Nam, khi dẫn chứng về việc một đơn vị nước ngoài tuyển công nhân hàn của Việt Nam. Trong hàng trăm công nhân hàn, họ chỉ vào làm được 5 người thợ bậc cao, nhưng khi vào làm thực tế thì không ai trong số đó đáp ứng được, vì áp lực hàn công nghiệp đòi hỏi hàn 5 kg que hàn liên tục. Điều đó cho thấy sức bền, trình độ kỹ thuật và kỷ luật lao động Việt Nam còn kém, dẫn tới năng suất lao động không cao.


Đánh giá của các chuyên gia tuyển dụng nhân lực tại các khu công nghiệp cho thấy: Lao động Việt Nam đa phần là lao động nông thôn, trình độ thấp, không nghề, yếu ngoại ngữ, dẫn đến phải làm công việc trong môi trường nặng nhọc, khó khăn, độc hại, nguy hiểm, không ổn định trong khi thu nhập lại thấp.


Năng suất lao động thấp


“Việt Nam có lực lượng lao động đông, nhưng thiếu lao động có tay nghề cao, sức bền hạn chế, kỹ năng quản lý còn nhiều bất cập. Hiện có khoảng 17% lao động trong độ tuổi được đào tạo chuyên môn kỹ thuật (thành thị là 32% và nông thôn hơn 10%)”, tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định.


Ông Nguyễn Tấn Định, nguyên Phó trưởng Ban quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Mặc dù lực lượng lao động phổ thông có đóng góp rất lớn vào việc hình thành đội ngũ lao động của nền công nghiệp nước nhà, tuy nhiên, nếu không được nâng cao tay nghề, học vấn, thì tương lai những lực lượng này lại là rào cản cho sự phát triển. Bởi trình độ lao động thấp đồng nghĩa với việc làm giảm khả năng cạnh tranh của DN, giảm năng suất lao động, nhất là những doanh nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao. Mặt khác, lao động phổ thông cũng chưa có tác phong làm việc công nghiệp, biểu hiện rõ nhất là tình trạng nghỉ việc tùy tiện, không tuân thủ quy định của DN. Trong một dây chuyền sản xuất hiện đại, mỗi công nhân đều là một mắt xích quan trọng, chỉ cần trống vài vị trí là sẽ ảnh hưởng tới cả dây chuyền”.


Ông Lê Phước Minh, Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, cho hay: Việt Nam có lợi thế nguồn lao động dồi dào, tuy nhiên chỉ phát huy hiệu quả đối với nền kinh tế khi cung ứng đủ việc làm, nhất là lao động chất lượng, có tay nghề và năng suất lao động cao. Giáo dục của Việt Nam thời gian qua đã có những thành tích nhất định, nhưng chất lượng về nguồn lực chỉ được xếp hạng 100/142 nước. Điều này thể hiện qua cơ sở hạ tầng giáo dục, tỷ lệ đào tạo nghề thấp, khả năng tiếp cận khoa học công nghệ chưa cao. Hiện năng suất lao động của Việt Nam thua nhiều nước trong khu vực.


Đây là những thách thức của Việt Nam trong quá trình hội nhập. Với trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, năng suất chưa cao, đã dẫn đến kinh tế Việt Nam tăng trưởng dựa trên việc mở rộng quy mô sản xuất, sử dụng nhiều lao động hơn là phát triển theo chiều sâu, dựa trên năng suất lao động. Điều này tạo ra thách thức lớn khi Việt Nam tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN với việc tự do hóa di chuyển lao động qua việc công nhận lẫn nhau về nghề giữa các nước trong khối từ năm 2015.


Xuân Cường - Hoàng Tuyết

Bài cuối: Lời giải cho bài toán lao động giá rẻ


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN