Nhiều nhóm cổ phiếu hứa hẹn thu hút dòng tiền

Theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán, năm nay cổ phiếu ngành ngân hàng không còn “nóng” như trước mà các ngành bất động sản và xây dựng, chứng khoán, y dược, hàng tiêu dùng, xuất khẩu hàng hóa (đặc biệt là nông, thủy sản) là nhóm được đánh giá cao.


Triển vọng đầu tư dài hạn của cổ phiếu ngân hàng


Mặc dù Nghị định 01/2014/NĐ-CP về nới trần (nới room) mua cổ phiếu ngân hàng cho khối ngoại đã chính thức công bố và sẽ có hiệu lực vào tháng 2 tới, thế nhưng nhiều chuyên gia cho rằng thông tin này chỉ tạo hiệu ứng tạm thời chứ không đủ lực để thu hút dòng tiền đổ vào ngành ngân hàng như năm qua.

 

Sàn giao dịch chứng khoán SBS của Sacombank (TP.HCM).
Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN


Theo ông Lê Văn Thanh Long, chuyên gia cao cấp CTCP Chứng khoán MB (MBS), các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn gặp nhiều khó khăn do tài sản, doanh thu và lợi nhuận vẫn bị sụt giảm mạnh. Thêm nữa, nợ xấu ở mức cao ảnh hưởng đến lợi nhuận và cả sự an toàn của ngành.


Vừa qua, Chính phủ và ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực để giải quyết nợ xấu, nhưng tính đến cuối tháng 11/2013, nợ xấu của toàn hệ thống vẫn là 142.000 tỷ đồng, chiếm 4,55% tổng dư nợ tín dụng.


Mặt khác, lạm phát và lãi suất giảm mạnh cũng là nguyên nhân dẫn đến doanh thu từ hoạt động tín dụng của ngân hàng giảm, trong khi mảng này chiếm tỷ trọng lớn trong lợi nhuận của ngân hàng. Chưa kể, tháng 6/2014 các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 02. Vì thế, nhiều chuyên gia ngân hàng dự báo, việc áp dụng thông tư này sẽ làm tăng con số nợ xấu của các ngân hàng.


Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược đầu tư Công ty Chứng khoán Maritime Bank (MSBS), cho rằng để cổ phiếu ngành ngân hàng phục hồi trước mắt là phải giải quyết được những tồn tại của kinh tế, vĩ mô. Khi kinh tế vĩ mô được cải thiện dần thì niềm tin của nhà đầu tư mới được củng cố. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư (NĐT) khi những hoạt động thâu tóm sáp nhập được tăng cường, hoạt động của VAMC hiệu quả hơn và các chính sách khó khăn của ngành bất động sản phát huy hiệu quả…


Tuy nhiên, theo các chuyên gia chứng khoán, nếu nhà đầu tư có ý định đầu tư dài hạn thì cổ phiếu ngành ngân hàng rất thích hợp để đầu tư. Những cổ phiếu NĐT nên lựa chọn là EIB, VCB, MBB, ACB, STB… Đây là những cổ phiếu đang duy trì hoạt động ổn định, có dòng cổ tức đều đặn, chiến lược kinh doanh và quản lý rủi ro tốt, tỷ lệ nợ xấu thấp và ít có (hoặc đã xử lý ổn thỏa) hiện tượng sở hữu chéo cũng như cho vay chéo trong nội bộ ngân hàng.


Cổ phiếu bất động sản và xây dựng sẽ lên ngôi


Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), trong năm 2014, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCKVN) sẽ nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ từ nền kinh tế vĩ mô ổn định, các chính sách của Chính phủ và lợi ích từ Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Do đó, nhiều chuyên gia nhận định, 4 nhóm ngành cổ phiếu có triển vọng để đầu tư là: Bất động sản (BĐS) - xây dựng, chứng khoán, tiêu dùng và xuất nhập khẩu. Trong đó, ngành BĐS - xây dựng được nhiều chuyên gia đánh giá cao nhất.


Theo phân tích của ông Lê Văn Thanh Long, do nhóm ngành này sẽ được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ kinh tế chung, đặc biệt là chính sách về tăng trưởng tín dụng, kiểm soát lạm phát và duy trì lãi suất thấp. Có thể thấy, gói hỗ trợ vay vốn mua nhà 30.000 tỷ đồng đang được quan tâm tháo gỡ các trở ngại trong giải ngân nên sẽ góp phần tích cực trong việc giải quyết hàng tồn kho BĐS trong năm 2014.


Những công ty BĐS có tài sản lớn, có chiến lược kinh doanh tốt sẽ là mục tiêu của dòng vốn mua bán và sáp nhập (M&A) từ nước ngoài, nhất là khi quyết định nới “room” cho NĐT nước ngoài được thông qua. Hiện thị giá cổ phiếu của các DN BĐS và xây dựng đang ở mức thấp so với mặt bằng chung, do vậy sẽ thu hút sự chú ý của nhiều NĐT.


Với ngành chứng khoán, dù vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng các DN đầu ngành này vẫn là mục tiêu của nhiều NĐT trong và ngoài nước. Kết quả kinh doanh trong năm qua của nhiều CTCK được cải thiện đáng kể. Nếu thị trường tiếp tục diễn biến tích cực trong năm tới thì doanh số cũng như lợi nhuận của các CTCK sẽ gia tăng đáng kể từ các mảng nghiệp vụ như môi giới, tự doanh, ngân hàng đầu tư, quản lý quỹ.


Nhóm ngành y dược và sản xuất hàng tiêu dùng cũng được các chuyên gia đánh giá có tiềm năng. Có thể thấy trong những năm qua, các nhóm ngành là động lực nâng đỡ thị trường, đặc biệt là các cổ phiếu có vốn hóa lớn. Nhờ vào hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ổn định, nhóm ngành này thường nhận được sự quan tâm của các NĐT nước ngoài với tỷ lệ sở hữu khá cao so với toàn thị trường. Vì thế, cổ phiếu của các DN này sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi quyết định nới “room” ngoại được thông qua.


Về ngành xuất khẩu hàng hóa, mặc dù gặp khó khăn trong những năm qua, nhưng các DN này sẽ được hưởng lợi từ chính sách kích thích xuất khẩu như cho vay ưu đãi với lãi suất thấp, điều chỉnh tăng tỷ giá... Nếu tỷ giá USD/VND trong năm 2014 được điều chỉnh tăng trong giới hạn 2% như nhiều chuyên gia dự báo, thì các DN xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng được doanh thu bằng VND và tăng biên lợi nhuận gộp.


Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN