Ngày 12/10, hai hãng xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới Standard & Poor's (S&P) và Fitch đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của nhiều ngân hàng Tây Ban Nha và Italia. Đây là một đòn nữa giáng vào những nỗ lực của hai nền kinh tế lớn trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang chật vật để vượt qua khó khăn tài chính này.
S&P đã hạ chỉ số tín nhiệm của 10 ngân hàng Tây Ban Nha, trong đó có hai ngân hàng lớn nhất nước này là Banco Santander và Banco Bilbao Vizcaya Argentaria (BBVA), do viễn cảnh tăng trưởng kinh tế mờ nhạt trong ngắn hạn và những vấn đề nghiêm trọng trên thị trường bất động sản Tây Ban Nha. Nhiều ngân hàng bị hạ một bậc tín nhiệm, có ngân hàng bị hạ hai bậc. Riêng Banco Santander và BBVA đều bị hạ một bậc từ AA xuống còn AA-, với triển vọng tiêu cực. Ngoài ra, một số ngân hàng khác như Banco Sabadell SA và Bankinter SA cũng bị hạ bậc từ A xuống A-, và 15 ngân hàng khác bị đánh giá đang trong tình trạng xấu.
Ngân hàng BBVA của Tây Ban Nha vừa bị hạ bậc tín nhiệm từ AA xuống còn AA-. ảnh: Internet |
Trong khi đó, Fitch đã hạ xếp hạng tín nhiệm của 6 ngân hàng Tây Ban Nha, kể cả Banco Santander và BBVA. Fitch cũng hạ mức tín nhiệm của nhiều ngân hàng Italia, đặc biệt là ngân hàng Intesa Sanpaolo - ngân hàng lớn nhất nước này, từ AA-/aa- xuống còn A/a và đang cân nhắc một số ngân hàng khác, do chỉ số tín nhiệm của Italia đã bị hạ từ AA- xuống mức A+ với triển vọng tiêu cực. Cuối tuần qua, Fitch đã hạ hai bậc tín nhiệm nợ công của Tây Ban Nha từ AA+ xuống còn AA.
Ngoài ra, hãng Moody's cũng cho biết đang cân nhắc chỉ số tín nhiệm của Tây Ban Nha, hiện đang ở mức Aa2, thấp hơn hai bậc so với mức xếp hạng cao nhất của Moody's là AAA.
Theo nhận định của giới phân tích, việc S&P và Fitch hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của nhiều ngân hàng Tây Ban Nha và Italia đã tạo thêm sức ép lên các ngân hàng toàn châu Âu, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone chưa có dấu hiệu lắng dịu. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 6/10 đã thông qua quyết định giữ nguyên lãi suất đối với các hoạt động tái huy động vốn chủ chốt là 1,5%. Bên cạnh đó, ECB thông báo những biện pháp mới nhằm giúp các ngân hàng đang gặp khó khăn, trong đó có kế hoạch cung cấp các khoản tín dụng mới có thời hạn cho các ngân hàng để hỗ trợ nguồn vốn của khu vực ngân hàng. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) cho biết đang xây dựng một kế hoạch tái cấp vốn cho các ngân hàng trong liên minh nhằm tránh tác động xấu của cuộc khủng hoảng nợ dẫn đến nguy cơ phá sản như trường hợp của ngân hàng Dexia.
Bất chấp việc hai hãng xếp hạng tín dụng S&P và Fitch hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của nhiều ngân hàng Tây Ban Nha và Italia, các thị trường thế giới vẫn có một phiên khởi sắc. Chứng khoán châu Âu ngày 12/10 và chứng khoán Mỹ lúc mở cửa ngày 12/10 đều mang sắc xanh do các nhà đầu tư hy vọng kế hoạch mà chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso sắp đưa ra sẽ trợ giúp các ngân hàng yếu kém ở khu vực và các khoản nợ xấu của Hy Lạp. Trên TTCK Mỹ lúc 22 giờ 30 (giờ VN), cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt đều tăng điểm, trong đó Dow Jones tăng 1,08%; S&P 500 tăng 1,44% và Nasdaq tăng 1,41%. Cùng thời điểm ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của châu Âu cũng đồng loạt tăng điểm, với các chỉ số FTSE 100 của Anh, CAC 40 của Pháp và DAX của Đức lần lượt tăng 1,08%; 2,39% và 2,44%; chỉ số Euro Stoxx 50 (50 cổ phiếu hàng hàng đầu châu Âu) tăng 2,45%. Trong khi đó, trên sàn giao dịch điện tử New York lúc 22 giờ 30 ngày 12/10 (giờ VN), giá vàng tăng 18,4 USD (1,11%) lên 1.679,4 USD/ounce (tương đương 42,2 triệu đồng/lượng). Tại Hồng Công, kết thúc phiên cùng ngày, giá vàng tăng 19,14 USD lên 1.680,56 USD/ounce. Giá dầu thế giới ngày 12/10 cũng cùng chung xu hướng đi lên của TTCK và vàng toàn cầu. Lúc 22 giờ 30 (giờ VN), giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 11/2011 ở New York tăng 0,13 USD lên 85,94 USD/thùng; giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tăng 2,84 USD lên 112,19 USD/thùng. |
H.H - TTG