Dự án kè Sông Bằng, đoạn thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng được xây dựng để chống xói lở, chống lũ, bảo vệ an toàn các công trình ven sông và đảm bảo mỹ quan đô thị. Dự án được đầu tư trên 43 tỷ đồng, nhưng đã gần 4 năm sau ngày khởi công, công trình này vẫn ngổn ngang, hoang phế, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Liên tiếp gặp sự cố
Theo Quyết định số 2610/QĐ - UBND ngày 11/11/2008 của UBND tỉnh Cao Bằng, công trình có chiều dài 1.364 m, tổng vốn đầu tư trên 43 tỷ đồng, UBND huyện Hòa An làm chủ đầu tư. Trong giai đoạn 2008 - 2010, dự án sẽ triển khai thi công các hạng mục: Xây dựng tuyến kè bê tông số 1 dài 887 m; đường xuống ngầm và hệ thống cống thoát nước, bến nước vốn đầu tư 27 tỷ 328 triệu đồng. Theo thiết kế, tuyến kè số 1 kéo dài từ đầu cầu Hồng Việt đến đường xuống ngầm ở trung tâm thị trấn Nước Hai có kết cấu bê tông cốt thép toàn khối, chiều cao tường kè trung bình 7,7 m. Toàn tuyến chia thành nhiều khối, có chiều dài bình quân 16 m/khối, đỉnh kè xây dựng lan can bảo vệ bằng bê tông cốt thép, chân kè được gia cố rọ đá chống xói lở.
Một đoạn kè Sông Bằng ở khu vực tổ 1, Hoằng Bó, thị trấn Nước Hai, Hòa An (Cao Bằng). |
Công trình do liên danh Công ty cổ phần Xây dựng giao thông II Cao Bằng - Công ty cổ phần Xây dựng 568 và 4 đội thi công thuộc các công ty: Đầu tư và xây dựng 19 - 8; Xây dựng Trung Nghĩa; Xây dựng Minh Thắng; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hùng Vương thi công...
Tuy nhiên đến tháng 2/2011, dự án mới chính thức khởi công. Sau 2 tháng triển khai, dự án phải tạm ngừng vì xảy ra sự cố trượt lở mái ta luy đào tại cọc số 37, 38, 39, làm sụt lún và nứt tường một số hộ dân tại khu Hoằng Bó I, thị trấn Nước Hai. Tiếp đó, một sự cố lớn lại xảy ra vào ngày 12/4/2011, khi nhà thầu đang bơm nước hố móng thì mái ta luy hố đào móng bị sạt lở, gây nứt tường, sụt lún nền nhà, đổ hàng rào của các hộ xung quanh. Trước thực trạng này, UBND huyện Hòa An đã yêu cầu nhà thầu tạm dừng thi công và tiến hành hoàn thổ lại vị trí đào móng bằng các vật liệu khác, nhằm hạn chế thiệt hại đối với các công trình kiến trúc của nhân dân.
Nhùng nhằng đổ lỗi cho nhau
Ông Nông Trung Triều, Giám đốc Công ty cổ phần Khảo sát thiết kế xây dựng Cao Bằng cho biết: Việc khảo sát địa hình, địa chất kè Sông Bằng được triển khai từ năm 2006 cho thấy địa điểm hoàn toàn phù hợp với việc xây dựng móng kè. Tuy nhiên, sau thời điểm khảo sát, thiết kế, địa chất Sông Bằng đoạn qua thị trấn Nước Hai bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác cát sỏi. Bên cạnh đó, việc thi công ồ ạt với nhiều khoang kè lớn là nguyên nhân gây sạt lở.
Những vết nứt ở trần và tường nhà của một số hộ dân do đào móng kè Sông Bằng gây ra. |
Còn ông Phan Văn Triều, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng giao thông II Cao Bằng (một trong những nhà thầu) thì lại cho rằng: Điểm thi công đào móng kè vùng trượt rộng, đất yếu, không như hồ sơ thiết kế. Hồ sơ thiết kế xác định là đất cấp III nhưng đào xuống là đất cấp I, một số đoạn là cuội sỏi rời rạc.
Sau các sự cố, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Cao Bằng - đơn vị giám sát thi công - đã lấy mẫu đất ở vùng trượt lở để phân tích. Kết quả cho thấy: Mẫu đất này có độ bão hòa nước 49%, lực ma sát rất nhỏ, lực dính kém, cường độ chịu tải thấp. Đồng thời khẳng định: Việc đặt vị trí mũi khoan khảo sát địa hình, địa chất chưa chuẩn xác, chưa đúng vùng đất yếu.
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là khi đào móng, phát hiện vùng địa chất sai khác với hồ sơ thiết kế, đơn vị thi công đã không báo cáo ngay với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan xem xét giải quyết, từ đó dẫn đến sự cố sạt lở kè, gây sụt lún nhà dân.
Đến nay, liên danh nhà thầu mới hoàn thành khối lượng xây lắp có giá trị 3 tỷ 782 triệu đồng, trên tổng số vốn đã tạm ứng là 9 tỷ đồng. Như vậy vẫn còn trên 5,2 tỷ đồng chưa có khối lượng thanh toán. UBND huyện Hòa An đã nhiều lần họp bàn về việc đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn xây dựng kè Sông Bằng; thông báo việc thu hồi vốn tạm ứng đối với liên danh nhà thầu để nộp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn dậm chân tại chỗ, không có hướng giải quyết và vốn nhà nước do các đơn vị tạm ứng vẫn chưa thu hồi được.
Mặc dù chưa rõ trách nhiệm thuộc về đơn vị khảo sát, thiết kế hay nhà thầu và chủ đầu tư, nhưng việc lãng phí vốn nhà nước thì vẫn tiếp tục xảy ra tại công trình tiền tỷ.
Bài và ảnh: PV