Theo thông tin của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HXN), trong tháng 7 sẽ có 3 công ty bị hủy niêm yết là SSS, S64, AGC. Trước đó, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng đã công bố hủy hàng loạt cổ phiếu có mệnh giá siêu thấp niêm yết trên sàn TP.HCM như CAD, BAS… Nguyên nhân chính là do các công ty này liên tục thua lỗ nhiều năm liên tiếp.
Ngậm ngùi rời sàn
HNX cho biết, việc hủy niêm yết của hai cổ phiếu SSS của CTCP Sông Đà 6.06 và cổ phiếu S64 của CTCP Sông Đà 6.04 là do hai công ty này sẽ tiến hành sáp nhập với CTCP Sông Đà 6. Như vậy, sự hiện diện của hai cổ phiếu này trên sàn giao dịch chứng khoán HNX sẽ bắt đầu kết thúc kể từ sau ngày 12/7. Cụ thể, SSS sẽ hủy 2,5 triệu cổ phiếu, với mệnh giá 10.000 đồng/CP và tổng giá trị cổ phiếu hủy niêm yết (theo mệnh giá) là 25 tỷ đồng. Tương tự, S64 cũng hủy 2 triệu cổ phiếu, với mệnh giá 10.000 đồng/CP và tổng giá trị cổ phiếu hủy niêm yết là 20 tỷ đồng.
Sàn giao dịch chứng khoán SBS của Sacombank (TP.HCM). Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN |
Cũng theo HNX, kể từ ngày 17/7 tới, cổ phiếu AGC của CTCP Cà phê An Giang cũng bị hủy niêm yết bắt buộc với 8,3 triệu cổ phiếu đang niêm yết trên sàn. Trước đó, AGC đã bị đưa vào diện cảnh cáo của HNX từ tháng 5/2012. Nguyên nhân là quý I/2012, AGC lỗ 10 tỷ đồng do chi phí tài chính tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ 2011. Kiểm toán năm 2011 cho thấy, AGC lỗ 144,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 53,2 tỷ đồng.
Tại sàn HoSE, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cũng đã thông báo hàng loạt cổ phiếu đưa vào diện kiểm soát do làm ăn thua lỗ liên tiếp trong hai năm. Như cổ phiếu DTT của Công ty cổ phần Kỹ nghệ Đô Thành; BSI của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam… Ngoài ra, HoSE cũng đã công bố hủy hàng loạt cổ phiếu có mệnh giá siêu thấp niêm yết trên sàn TP.HCM như CAD, BAS… Trước đó, một loạt các cổ phiếu khác cũng ngậm ngùi rời sàn là VKP của CTCP Nhựa Tân Hóa (từ 24/5) với 8 triệu cổ phiếu, CAD của CTCP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex với gần 8,8 triệu cổ phiếu (từ 4/6); MCV của CTCP Cavico Việt Nam Khai thác mỏ và Xây dựng cũng đã bị hủy niêm yết từ 11/5 với hơn 12 triệu cổ phiếu giao dịch.
Lý giải về tình trạng này, nhiều công ty cho biết một phần do tình hình làm ăn năm ngoái quá thua lỗ, trong khi triển vọng kinh doanh năm nay lại chưa sáng sủa. Lĩnh vực gặp nhiều khó khăn nhất là chứng khoán, bất động sản và xây dựng. Trước tình hình trên, nhiều công ty đã buộc phải xin điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, từ lãi nhiều thành lãi ít hoặc thậm chí lỗ.
Nhà đầu tư thiệt đơn thiệt kép
Đại diện Phòng môi giới Công ty CP chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) cho rằng, có nhiều trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết khác nhau, nên không phải trường hợp nào nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu đó cũng mất trắng. Thực chất, những trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết trên sàn do công ty niêm yết sáp nhập với công ty khác, nhà đầu tư vẫn giữ được tài sản của mình. Nếu công ty nhận sáp nhập cũng niêm yết trên thị trường chứng khoán, thì trường hợp này sẽ giống như việc Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (mã cổ phiếu HBB) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (mã cổ phiếu SHB) mới đây. Theo đó, nhà đầu tư nếu giữ cổ phiếu của công ty bị sáp nhập thì sẽ được chuyển sang sở hữu cổ phiếu của công ty nhận sáp nhập, theo tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu mà thương vụ mua bán, sáp nhập đưa ra. Kể cả nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu của công ty nhận sáp nhập thì số lượng và thị giá của cổ phiếu này cũng sẽ thay đổi. Nếu công ty nhận sáp nhập không niêm yết trên thị trường chứng khoán, thì nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu của công ty bị sáp nhập sẽ được chuyển sang sở hữu cổ phần của công ty nhận sáp nhập, hoặc sở hữu cổ phiếu của công ty nhận sáp nhập trên thị trường OTC.
Theo các chuyên gia, trên lý thuyết là vậy nhưng thực tế, một khi cổ phiếu đã bị hủy niêm yết do công ty làm ăn thua lỗ thì tài sản của nhà đầu tư cũng bị thiệt hại. Bởi nếu cần tiền ngay họ không thể bán để lấy tiền như khi cổ phiếu niêm yết trên thị trường tập trung được. Kể cả trường hợp công ty làm ăn có lãi sau khi bị hủy niêm yết thì nhà đầu tư giữ cổ phiếu của công ty này cũng chỉ được hưởng cổ tức - một số tiền rất nhỏ so với tổng giá trị cổ phiếu mà họ nắm giữ.
Hải Yên