Ngày 10/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hội đàm tại Bắc Kinh trước thềm Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Cuộc gặp được xem là bước đột phá để cải thiện quan hệ hai nước sau 2 năm căng thẳng do các vấn đề lịch sử và lãnh thổ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này.Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị ngày 9/11. Ảnh: Quang Đức-Hải Yến/TTXVN tại Trung Quốc |
Trong cuộc hội đàm kéo dài 25 phút tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khẳng định sự cần thiết của việc phát triển mối quan hệ chiến lược đôi bên cùng có lợi, hướng tới cải thiện quan hệ song phương đang gặp nhiều sóng gió hiện nay.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiến tới thiết lập cơ chế kiểm soát khủng hoảng nhằm tránh phát sinh những tình huống bất trắc trên biển xung quanh quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Ông Tập Cận Bình hối thúc Tokyo "nỗ lực hơn nữa trong việc tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa Nhật Bản với các nước láng giềng, góp phần xây dựng hòa bình và ổn định trong khu vực".
Về phần mình, ông Abe khẳng định Nhật Bản kiên định con đường phát triển hòa bình, nhấn mạnh rằng chính quyền đương nhiệm ở Nhật Bản sẽ duy trì các quan điểm của các thế hệ lãnh đạo trước đó trong các vấn đề lịch sử. Nhật Bản sẵn sàng thực thi thỏa thuận 4 điểm vừa đạt được giữa hai nước, giải quyết các vấn đề liên quan một cách đúng đắn và tạo xuất phát điểm mới cho việc cải thiện và phát triển mối quan hệ chiến lược đôi bên cùng có lợi.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, đây là cuộc hội đàm chính thức đầu tiên giữa một chủ tịch nước Trung Quốc và một thủ tướng Nhật Bản trong gần ba năm qua. Phát biểu trước khi lên đường sang Trung Quốc, Thủ tướng Abe cho biết ông muốn khẳng định với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng hai nền kinh tế lớn nhất châu Á “vốn có trách nhiệm đối với hòa bình và ổn định trong cộng đồng quốc tế, cần nối lại quan hệ chiến lược đôi bên cùng có lợi”.
Để chuẩn bị cho cuộc hội đàm, chính phủ hai nước đã xây dựng văn bản hướng tới cải thiện quan hệ song phương và đạt được thỏa thuận 4 điểm ngày 7/11 vừa qua, theo đó hai bên thống nhất nhận thức rằng "đang tồn tại những quan điểm bất đồng" liên quan quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku/Điếu Ngư, song hai nước sẽ có các biện pháp khôi phục lòng tin và giảm căng thẳng, tránh làm phát sinh các tình huống bất trắc trên biển Hoa Đông.
TTXVN/Tin tức