Latchmere House là một ngôi biệt thự với vẻ ngoài ảm đạm, được bao quanh bởi dây thép gai tại ngôi làng Ham Common ở ngoại ô London (Anh). Chính sự im lặng nơi đây đã che giấu một sự thật đang xảy ra bên trong, và cũng vì đó mà tòa nhà này được gọi bằng một cái tên khác - Trại 020.
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, Trại 020 là nơi trung tá Anh Robin Stephens, biệt danh “Mắt thiếc”, thu thập những thông tin giá trị và tối quan trọng mà không cần sử dụng bạo lực khi ông thẩm vấn những tên điệp viên Đức “cứng đầu” nhất.
Stephens gắn với biệt danh “Mắt thiếc” bởi chiếc kính một mắt viền thiếc mà người ta đồn rằng ông đeo nó ngay cả khi đi ngủ. Stephens có quốc tịch Anh, nhưng sinh ra tại Alexandria, Ai Cập năm 1900. Học xong phổ thông, ông quay trở về Anh để học tại Học viện quân sự Hoàng gia và sau đó ông lại đến Ấn Độ học trường Đại học Quetta Cadet. Stephens có thể nói trôi chảy 7 thứ tiếng, trong đó có Urdu, Arập và cả tiếng Somali - nơi ông đã gắn bó nhiều năm với tư cách sĩ quan của một trung đoàn tinh nhuệ thuộc quân đội Anh.
Đến tháng 7/1940, Stephens bắt đầu làm việc tại Trại 020. Đã đi nhiều nơi trên thế giới nhưng Stephens không hề cởi mở, ông tự nhận mình là một người bài ngoại và không hề có cảm tình với nước Đức.
Một tù nhân tại Trại 020. |
Tại Trại 020 trực thuộc MI5 (cơ quan chống tình báo, gián điệp và đảm bảo an ninh của Vương quốc Anh), Stephens luôn tiến hành nhiệm vụ thẩm tra của mình dựa trên quan điểm “bạo lực là điều cấm kỵ, không chỉ vì nó sản sinh ra những câu trả lời chỉ để làm hài lòng mà còn bởi việc nó đã hạ thấp tiêu chuẩn của thông tin”.
Stephens từng viết trong một hướng dẫn về công tác thẩm vấn: “Không bao giờ đánh đập một con người. Ngay từ đầu đó là hành động hèn nhát và điều đó không hề sáng suốt. Một tù nhân sẽ nói dối để tránh việc bị tra tấn thêm và mọi thứ mà anh ta nói sau đó đều dựa vào một lập luận sai khác”.
Chính vì vậy, Guy Liddell - đồng nghiệp của Stephens tại Trại 020 đã ghi lại trong nhật ký về thời điểm Stephens tống cổ một sĩ quan thuộc đơn vị tình báo Anh MI9 vì cư xử thô bạo với tù nhân trong một cuộc thẩm vấn.
Không dùng bạo lực chân tay nhưng Stephens lại áp dụng chiến thuật áp lực tâm lý để thẩm vấn. Ông từng thuật lại trong một báo cáo: “Áp lực từ giọng điệu và tần suất câu hỏi là một đòn đánh mạnh khiến tù nhân mất trí”. Stephens thường tự coi mình như một nhà tâm lý học không chuyên và quan tâm đến các trường phái của Sigmund Freud (1856 - 1939) - bác sĩ về thần kinh và tâm lý người Áo, hay Carl Gustav Jung (1875 - 1961) - bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sĩ.
Khi cảm thấy tù nhân đã sẵn sàng, Stephens sẽ tiến đến và sau đó là hàng tiếng đồng hồ tù nhân bị “tra khảo”. Có trường hợp cuộc phỏng vấn kéo dài đến 48 giờ.
Tuy nhiên viên sĩ quan này còn sử dụng những biện pháp rất “quái” để gây áp lực tâm lý lên tù nhân. Ông đã tạo ra môi trường im lặng kỳ quái và biệt lập tại Trại 020. Việc này dường như đã gợi lên cảm giác buồn chán tột độ đối với những người đang bị giam giữ tại đây. Thêm vào đó, những lính gác tại Trại 020 đi giày tennis khiến tiếng động của các bước đi như nghẹt lại. Các phòng giam nhỏ gây khó chịu. Tù nhân không ở chung và hầu như không có giao tiếp với nhau. Stephens đã viết trong một bản báo cáo: “Không lịch thiệp, không trò chuyện, không thuốc lá”. Các tù nhân bị giam giữ riêng rẽ và sống trong yên lặng. Thức ăn luôn nhạt nhẽo, giấc ngủ của các tù nhân thì luôn bị gián đoạn.
Nhưng việc thẩm vấn không dùng bạo lực không có nghĩa là chấm dứt thương vong. Theo luật pháp A
nh, trong chiến tranh, những điệp viên bị bắt giữ nếu từ chối hợp tác sẽ có thể phải đối mặt với việc bị hành hình. Trong gần 500 tù nhân được đưa đến Trại 020, 15 người đã bị bắn hoặc treo cổ tại Tháp London, ngoài ra cũng có một vài cuộc tự tử.
Tuy nhiên con số tù nhân cung cấp các thông tin hữu ích cho nước Anh lại rất đáng kể: 120 người được đánh giá vô cùng quan trọng đã được trao cho đơn vị chuyên về các hoạt động phản gián của MI5. Chính Stephen đã giúp hàng chục người trong số họ trở thành những điệp viên hai mang có giá trị.
Stephens được đánh giá là một người rất kiên nhẫn. Ông hay chú ý một cách tỉ mẩn tới các chi tiết bình thường nhất. Từ những cuộc phỏng vấn, Stephens đã thu thập được những thông tin quan trọng hỗ trợ đội ngũ giải mật mã của quân Đồng minh.
Đến năm 1941, các hoạt động phản gián của MI5 đã thành công tới mức chủ tịch MI5, John Cecil Masterman tự hào nói rằng cơ quan này đang “kiểm soát hệ thống tình báo của Đức quốc xã tại Anh”.
Nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, sự nghiệp của “Mắt thiếc” đã thụt lùi nhiều bước. Stephens tự nguyện tham gia một trung tâm thẩm vấn tại Bad Nenndorf (Đức), nơi giam giữ những tội phạm chiến tranh khét tiếng của Đức quốc xã. Đến năm 1947, trung tâm thẩm vấn nơi Stephens làm việc phải trải qua một cuộc cắt giảm kinh phí lớn, khiến nhân viên ở đây giảm hơn một nửa. Chính vì vậy số lượng lớn tù nhân bị suy dinh dưỡng nặng. Đã có 2 tù nhân thiệt mạng không lâu sau khi được chuyển đến bệnh viện. Chính vì điều đó, Stephens đã bị tòa án quân sự buộc tội thiếu trách nhiệm trong khi thi hành công vụ và quản lý kém. Tuy nhiên sau đó một tòa án tại London đã tuyên bố “Mắt thiếc” trắng án.
“Mắt thiếc” sau này trở thành sĩ quan an ninh liên lạc làm việc tại Ghana. Việc thẩm vấn các tù nhân vẫn luôn là công việc phức tạp và còn nhiều tranh cãi, nhưng hành động từ chối sử dụng bạo lực vẫn luôn là phần “sáng” nhất trong sự nghiệp của ông.
Hà Linh